Phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” và kết nối toàn cầu
Kinh tế - Ngày đăng : 14:08, 07/10/2024
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” là một trong hai sự kiện cấp quốc gia thuộc chuỗi các sự kiện lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do Hà Nội tổ chức.
Hà Nội đang bừng sáng với một tư thế mới, diện mạo mới
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm tái thiết thủ đô, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục đời sống kinh tế, xã hội.
Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, Hà Nội là hậu phương lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Càng tự hào hơn, Hà Nội đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tiêu biểu cho ý chí và bản lĩnh Việt Nam, được dư luận quốc tế công nhận là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.
Đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã nêu cao ý chí tự cường, phấn đấu, lao động, sáng tạo không mệt mỏi, giành được những thành tựu to lớn, từng bước hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong đời sống thực tiễn.
Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thành phố Hà Nội được quốc tế vinh danh và công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển của Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy Vùng và cả nước cùng phát triển. Điều đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới; khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý.
Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là Thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; như đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Vận hội mới của đất nước cũng chính là vận hội mới cho Thủ đô. Tầm nhìn mới của Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” cùng “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Phát huy vai trò là biểu tượng về văn hóa và hình mẫu kinh tế số
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 70 năm qua là một chặng đường phát triển đầy khó khăn, thử thách nhưng hết sức vinh quang và rất đỗi tự hào của Thủ đô Hà Nội. Để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu, cần tập trung vào bốn vấn đề:
Thứ nhất, cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, cũng là của đất nước mà Tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta đã để lại. Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò là biểu tượng đặc sắc về văn hóa, lịch sử, giáo dục của cả nước, nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn học nghệ thuật và học thuật.
Lấy người dân thủ đô làm trung tâm của quá trình phát triển. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối ngày càng hiện đại, đồng bộ; xử lý hiệu quả những vấn đề về cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, hệ thống y tế, giáo dục… để tạo cho Hà Nội một diện mạo mới, xứng tầm vị thế Thủ đô.GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hoà giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, để văn hoá, con người là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển Thủ đô.
Thứ hai, xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội phải là hình mẫu của nỗ lực đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới.
Thứ ba, cần khai thác sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, hoàn thiện thể chế quản trị đô thị hiện đại, mang đẳng cấp khu vực và toàn cầu, coi đây là khâu đột phá chiến lược để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy 5 trụ cột phát triển: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố quốc tế, kết nối toàn cầu, là nơi thu hút và hội tụ của mọi nguồn lực trên phạm vi toàn thế giới, như: nguồn vốn, tri thức, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài.
Thứ tư, quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội đoàn kết thống nhất, thật sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
Cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, huy động được nguồn lực to lớn của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô.