Chủ tịch Quốc hội: Phải làm cho đối tượng giám sát “tâm phục, khẩu phục”

Pháp luật - Ngày đăng : 17:03, 07/10/2024

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát “tâm phục, khẩu phục” và phải chỉ ra được những điểm mạnh, hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới…

Sáng 7/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

202410071104038696_dsc_0857.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Luật hóa các nội dung cần thiết, xác đáng

Báo cáo tóm tắt Tờ trình Dự án Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Dự thảo Luật gồm 3 điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (gồm 60 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của luật.

Về giám sát của Quốc hội (Chương II), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của 37 khoản tại 24 điều về: thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.

Về giám sát của HĐND (Chương III), Dự thảo Luật bổ sung mới 8 điều, nội dung tập trung quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, tại phiên họp Thường trực HĐND; chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND; vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; đồng thời, quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.

202410071105017583_dsc_0839.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với những lý do được nêu tại Tờ trình.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung và nhấn mạnh quan điểm, Luật chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải thực sự cần thiết, xác đáng, thống nhất với bố cục của Luật hiện hành; không đưa vào luật hoặc luật hóa các vấn đề, quy trình, thủ tục thuộc thẩm quyền của UBTVQH; những nội dung cần quy định linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì nên giao UBTVQH quy định. Đối với các chính sách mới cần có đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả, phù hợp thì mới quy định vào luật.

Giám sát phải trúng, đúng trọng tâm, trọng điểm

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp là việc phải điều chỉnh trong thời gian tới thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này.

202410071120231026_dsc_0667.jpg

Giám sát làm sao phải trúng, đúng, trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và nhân dân đặt ra cho Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hằng năm, Quốc hội và UBTVQH cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều có các chuyên đề giám sát. HĐND các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, công tác giám sát rất được quan tâm. UBTVQH đã ban hành quy định về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và được HĐND các địa phương hết sức hoan nghênh.

“Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát “tâm phục, khẩu phục”. Thông qua việc giám sát, Đoàn giám sát chỉ ra được điểm mạnh, những hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề quan trọng nhất là hậu giám sát, khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất phải có địa chỉ và thời gian nhất định, ai làm và bao giờ thực hiện xong?

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần rà soát sự phù hợp của Dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát của Quốc hội và HĐND không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri, vừa phải gắn với công tác lập pháp.

Quan tâm đến việc quy định về xem xét các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quy định của Luật hiện hành về Quốc hội xem xét các báo cáo cần được đánh giá kỹ hơn để sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, bảo đảm phát huy được hiệu quả thực chất của hình thức giám sát này, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn khi triển khai để tránh hình thức.

“Đối với báo cáo hằng năm của các cơ quan khác cũng như Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước cũng cần cân nhắc xem cần thiết yêu cầu các cơ quan này gửi báo cáo kết quả công tác tại kỳ họp giữa năm hay không. Vì, ngoài báo cáo chung thì theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan này đều phải chuẩn bị báo cáo chuyên đề với rất nhiều nội dung” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.

Đ. KHOA