Cần sớm ban hành cơ chế bắt buộc DN phải tham gia vào đào tạo nhân lực

Đầu tư - Ngày đăng : 21:55, 21/12/2018

(BKTO) - Tại “Hội nghị Tổng kết hoạt động tăng cường gắn kết giữa nhà trường và DN năm 2018” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức ngày 20/12, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng, quan hệ gắn kết giữa nhà trường và DN bước đầu hình thành. Tuy nhiên, để tạo sự chuyển biến sâu rộng hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng cơ chế và đảm bảo tính thực thi nhằm thúc đẩy sự tham gia một cách thực chất hơn của DN vào hoạt động GDNN.


Bước đầu hình thành mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó bao gồm các nhóm giải pháp trọng tâm là “đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý về GDNN”, “chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng’, “tăng cường sự tham gia của DN, người sử dụng lao động trong GDNN”, “tăng cường hợp tác quốc tế trong GDNN”.

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, trong thời gian vừa qua, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy việc xây dựng cơ chế nhằm tăng cường sự tham gia của DN trong lĩnh vực GDNN. Trong năm 2018, việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cơ chế phối hợp 3 bên, Nhà nước - Nhà trường - DN, đặc biệt là giữa nhà trường và DN đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn. Nhiều hoạt động gắn kết với DN có ý nghĩa thiết thực đã được triển khai đồng loạt từ Tổng cục GDNN đến các trường, như: ký kết chương trình hoạt động với các tập đoàn DN lớn như: Vingroup, Mường Thanh, Samsung... các Hiệp hội nghề nghiệp. Đặc biệt, hoạt động GDNN đã thu hút sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong triển khai các mô hình đào tạo gắn với DN, đặc biệt đề xuất mô hình thành lập Hội đồng kỹ năng ngành của Australia, Tổ chức Lao động thế giới ILO, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức...
                
   

Hội nghị đánh giá quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN năm 2018 -Ảnh: Thái Sơn

   
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu lên những khó khăn, thách thức trong quan hệ hợp tác, gắn kết gữa nhà trường và DN. Cụ thể, phần lớn, mối quan hệ hợp tác vẫn mang tính nhỏ lẻ và không bền vững, sự tham gia của DN vào hoạt động dạy nghề còn hạn chế. Điều này cho thấy trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt. Trách nhiệm báo cáo kết quả đào tạo nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động của DN cũng chưa được thực hiện đầy đủ…

Cần sớm ban hành cơ chế bắt buộc DN phải tham gia vào đào tạo nhân lực

TheoPhó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNNTrương Anh Dũng,để nâng cao chất lượng GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới với 3 biện pháp, như: Từng bước nâng cao tự chủ cho nhà trường để phát huy được năng lực; chuẩn hóa các điều kiện đào tạo, trong đó có chuẩn hóa điều kiện giáo viên phải biết được cả lý thuyết và thực hành; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo thiết bị, cơ sở vật chất. Trong đó, vai trò của DN được thể hiện trong tất các các nội dung, gắn với hoạt động GDNN, từ chương trình đào tạo, đến việc DN đưa ra dự báo nhân lực của mình trong thời gian tới và DN xây dựng chuẩn kỹ năng của từng ngành nghề… Nhà trường sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh công tác đào tạo cho phù hợp...
                
   

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu tại hội thảo -Ảnh: Thái Sơn

   
Về giải pháp đề nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường và DN trong thời gian tới, Tổng cục GDNN đề xuất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với DN, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của DN, đơn vị sử dụng lao động. Trong đó tập trung vào một số vấn đề, như: Quy định trách nhiệm giữa DN và cơ sở GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập tại DN và đóng góp tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo; hướng dẫn thực hiện miễn, giảm thuế các hoạt động đào tạo do DN, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đối với người lao động của chính DN hoặc cho xã hội... Đây được coi là những giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp giữa các bên.

Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách vĩ mô và cơ chế giám sát đối với cả nhà trường và DN về lĩnh vực nêu trên. Đối với nhà trường, cần công khai các hoạt động gắn kết, hiệu quả gắn kết, các bên tham gia, các bên hưởng lợi; những trường để học sinh, sinh viên thất nghiệp tỷ lệ cao thì cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh, có cơ quan quản lý nhà nước giám sát... Đồng thời, Nhà nước cũng cần sớm ban hành cơ chế bắt buộc DN phải tham gia đóng góp vào đào tạo nhân lực, có chính sách ưu đãi về tài chính, thuế hỗ trợ DN tham gia vào quá trình đào tạo với cơ sở GDNN, nhất là lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp mà xã hội cần, những lĩnh vực Nhà nước “đặt hàng”.

Chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN)cho rằng, sự đổi mới của cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo là tất yếu, song bên cạnh đó, trách nhiệm của DN tham gia vào hoạt động GDNN cũng cần được thể hiện rõ. Theo đó, Nhà nước cần có chế tài bắt buộc DN phải tham gia GDNN. "Ở nhiều quốc gia, DN phải tham gia hoạt động GDNN, hoặc phải đóng một số tiền tương ứng vào một quỹ đào tạo để cho các DN khác tham gia đào tạo được hưởng số tiền này" - TS. Hùng dẫn chứng.
NGUYỄN LỘC