Hướng đi mới của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước

Xã hội - Ngày đăng : 15:12, 27/09/2024

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) là đơn vị tích cực chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng (lạc), cho giá trị kinh tế cao gấp 4 lần trồng lúa.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Phú Yên, việc đồng hành cùng nông dân trong sản xuất là nhiệm vụ căn bản của các HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nhiệm vụ này không chỉ dừng lại ở việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ mà HTX còn phải tổ chức, định hướng để hoạt động sản xuất của thành viên bắt kịp với các xu thế phát triển kinh tế mới.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, cho biết: Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới chỉ rõ, các HTX gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các tổ chức KTTT phát triển gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Từ đây đặt ra yêu cầu, KTTT của tỉnh Phú Yên phải chuyển từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang ứng dụng KH-CN theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và số hóa các khâu từ quản lý, sản xuất chế biến đến tiếp cận thị trường và bán sản phẩm.

san-pham-dau-dau-phong-cua-htx-san-xuat-kinh-doanh-dich-vu-nong-nghiep-xuan-phuoc-1.jpg
Định hướng để hoạt động sản xuất của thành viên bắt kịp với các xu thế phát triển kinh tế mới.

Nhờ đó, các HTX nông nghiệp đã làm tốt việc quản lý lịch thời vụ thông qua các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Một số HTX bắt đầu tiếp cận công nghệ số, hình thành chuỗi giá trị nông sản, nhưng số lượng không nhiều và chưa bền vững ở tất cả các khâu. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các HTX cần tiếp tục kiện toàn.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã kết hợp sản xuất đi đôi với chế biến dầu phộng. Đặc biệt, việc HTX đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP không chỉ giúp nhiều người tiêu dùng biết đến nông sản đặc trưng của địa phương mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước là đơn vị được cán bộ Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, cho giá trị kinh tế cao gấp 4 lần trồng lúa. Hiện, diện tích trồng đậu phộng của thành viên là 35ha và đang kết hợp sản xuất đi đôi xây dựng thương hiệu dầu đậu phộng xã Xuân Phước…

Khi mới đi vào sản xuất dầu đậu phộng, việc tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh vì thị trường vốn đa dạng sản phẩm cùng loại, trong khi sản phẩm của HTX chưa có thương hiệu nên không lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Trước khó khăn trên, năm 2018, HTX được hỗ trợ đưa một trí thức trẻ về làm phó giám đốc. Đây chính là động lực để HTX mạnh dạn xây dựng, phát triển các kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó có việc đưa sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trước khi tham gia OCOP, các thành viên đầu tư kinh phí mua máy ép dầu sản xuất dầu phộng, đóng chai nhựa loại 1 lít và 0,5 lít. Sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, có giấy chứng nhận đăng ký.

Năm 2019, HTX sản xuất 2.000 lít dầu phộng, bán với giá 100.000 đồng/lít. Cùng với đó, vùng nguyên liệu được chia ra để sản xuất cả vụ đông xuân và hè thu nhằm bảo đảm lúc nào cũng có nguyên liệu chế biến. Dầu đậu phộng Xuân Phước được các cấp ngành đánh giá cao về chất lượng.

Trước khi tham gia OCOP, các thành viên tin tưởng sản phẩm mình làm ra sẽ được gắn “sao” vì đây vốn là sản phẩm đặc trưng của địa phương, được bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… và được các ngành chức năng đánh giá cao.

san-pham-dau-dau-phong-cua-htx-san-xuat-kinh-doanh-dich-vu-nong-nghiep-xuan-phuoc-2.jpg
Trồng lạc theo mô hình cánh đồng lớn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Thảo (xã Xuân Phước) cho biết: Xã có cánh đồng Chay, trước đây chuyên trồng đậu phộng ép dầu. Đậu phộng trồng ở cánh đồng Chay phơi khô hạt rồi mới sát vỏ, khi ép dầu có mùi rất thơm. Sau một thời gian, máy ép dầu thủ công không hoạt động nữa thì nông dân sử dụng các loại dầu công nghiệp bán trên thị trường. Khi HTX Xuân Phước đầu tư máy móc chế biến dầu và bán ra thị trường, người dân sử dụng ai cũng khen ngon.

Hiện xã Xuân Phước đang xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao nên việc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước hoạt động hiệu quả và đưa sản phẩm tham gia COOP có vai trò vô cùng quan.

Đông Sơn