Làm rõ khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Xã hội - Ngày đăng : 20:05, 08/10/2024

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc thiết kế các chương trình, các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đảm bảo khả thi; làm rõ khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án cụ thể, bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực của quốc gia.

Sáng 8/10, UBTVQH cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

202410080933002626_dsc_4016.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Dự kiến huy động hơn 122 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 27.000 tỷ đồng.

Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) bao gồm vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Bà Thuỷ cũng cho biết, dự kiến, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

202410080834568400_dsc_3721.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn.

Năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cơ bản nhất trí về phạm vi, thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ.

Liên quan đến nguồn vốn ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí với giải trình về các vấn đề liên quan đến vốn ngân sách địa phương; đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với nguồn vốn khác, cơ quan thẩm tra đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi cần xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên cần thu hút các nguồn lực xã hội; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội khác để thực hiện Chương trình.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2025 trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.

“Về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi”- ông Vinh nêu rõ.

Cân nhắc khả năng giải ngân để bảo đảm hiệu quả

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh lưu ý, nguồn vốn đầu tư của Chương trình là rất lớn. Qua theo dõi sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực văn hoá, những năm qua thấy khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hoá rất khó khăn.

202410080853343882_dsc_3856.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đơn cử như giai đoạn 2012-2015 dự kiến gần 8.000 tỷ đồng nhưng thực tế thực hiện chỉ được hơn 1.700 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt 10.620 tỷ nhưng ngân sách trung ương cũng bố trí được 2.300 tỷ đồng, cùng với địa phương bố trí thì tổng số được 2.700 tỷ đồng.

“Các chương trình hạ tầng lớn thì giải ngân tốt hơn, chi tiêu tiền có định mức. Còn đối với lĩnh vực văn hoá yêu cầu cao nên việc chi vài chục đến vài trăm tỷ cũng là khó khăn. Nếu bố trí quy mô vốn lớn trong khi khả năng giải ngân trong thực tiễn không thực hiện được sẽ gây ra nhiều quan ngại” - ông Mạnh bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị đầu tư Chương trình, ông Lê Quang Mạnh dẫn chứng: “Một dự án làm cầu, làm đường chúng ta đã làm rất nhiều, có nhiều dự án giống nhau. Nhưng khi dự án có quy mô từ 2.000-3.000 tỷ đồng thì phải cần vài năm để chuẩn bị, thậm chí có dự án chuẩn bị hàng chục năm, đến khi thực hiện còn thay đổi rất nhiều”. Vì vậy, theo ông Mạnh với quy mô Chương trình lớn như vậy và dự kiến thực hiện đầu tư trong 1 năm sẽ rất ngắn. Do đó cần quan tâm đến chuẩn bị đầu tư, vì chuẩn bị đầu tư tốt thì thực thi giải ngân hiệu quả và mới đạt mục tiêu đề ra.

Cho biết trong nhiệm kỳ sau có rất nhiều dự án lớn cần đầu tư, như đường cao tốc Bắc - Nam vẫn tiếp tục đầu tư; dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể nguồn để bố trí xem xét cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.

202410080853343882_dsc_3838.jpg

Thiết kế Chương trình phải đảm bảo và hướng tới các mục tiêu, không chỉ giải quyết những tồn tại, vướng mắc mà phải có yếu tố phát triển một cách đột phá và vượt bậc thì mới giải quyết được câu chuyện văn hóa trở thành nền tảng, sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đầu tư nguồn lực cơ sở hạ tầng với quản lý nhà nước, tức là đầu tư rồi thì phải phát huy được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về khả năng huy động bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực quốc gia đặt trong tổng thể Chương trình đầu tư trung hạn giai đoạn 2025-2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

"Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; xác định rõ các nội dung Trung ương thực hiện, địa phương thực hiện; bảo đảm những nội dung giao địa phương thực hiện thì Trung ương chỉ đôn đốc, hướng dẫn để địa phương thực hiện tốt" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi, Bộ sẽ đề xuất những công trình, dự án đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm. “Trong Chương trình cũng chỉ đề xuất để xây dựng những công trình các trung tâm văn hóa, thể thao mang tính trọng điểm quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt chứ không phải đầu tư một cách dàn trải hoặc thiếu trọng tâm, trọng điểm” - bà Thủy nhấn mạnh.

Đ. KHOA