GDP năm 2024 ước đạt 6,8-7%, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 20:34, 09/10/2024
Sáng 9/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
Kinh tế - xã hội phục hồi rõ nét
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, tình hình KT-XH nước ta khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt - Bộ trưởng báo cáo.
Một số kết quả nổi bật được Bộ trưởng nêu rõ như tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
“Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024.
Những tháng cuối năm 2024, Chính phủ cho biết, sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Tăng cường quản lý thị trường vàng, bất động sản
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh một số thành tựu trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đồng thời đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Đó là, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.
Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên trong UBTVQH đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về kết quả được trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá cao Chính phủ, các Bộ, ngành đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, với kết quả hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý, dù chúng ta đã cố gắng nhưng thị trường vàng vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để đảm bảo thị trường trong nước và quốc tế ngày càng gần nhau.
Cùng với đó, thị trường bất động sản thường xuyên diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao. Với giá chung cư như hiện nay, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản. Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra, việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chậm, các nghị định của Chính phủ ra đời nhưng một số văn bản hướng dẫn của địa phương rất chậm; cần đẩy nhanh tiến độ ban hành.
“Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp và tinh vi. Chúng tôi thấy thời gian vừa qua, chúng ta chống tham nhũng tương đối tốt nhưng phòng ngừa cần phải chú trọng hơn” - bà Lê Thị Nga đề nghị.
Thống nhất với các giải pháp Chính phủ đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là giải pháp rất căn bản.
Cần tập trung vào việc khắc phục độ trễ của chính sách. Chính phủ, các Bộ, ngành rất quyết tâm nhưng đến nay, nhiều địa phương chưa ban hành được văn bản nào để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, chính sách đi vào cuộc sống rất chậm, không phát huy được tác dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Nhấn mạnh sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét dự án một luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và một luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính và thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các luật phải thể hiện tinh thần mới, tháo gỡ khó khăn, cải thiện tối đa thủ tục hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn đến hạ tầng điện, tránh xảy ra tình trạng thiếu điện. Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc các động lực mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nhất là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số… Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, đón đầu khi thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon…
Cũng trong sáng 9/10, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó:
Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP;
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD;
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%;
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; \
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...