Giữ vững đạo đức, danh dự, trách nhiệm doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 10/10/2024
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương (vào ngày 13/10/1945). Trong Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, biểu dương những đóng góp thiết thực trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, kêu gọi giới Công thương tiếp tục phấn đấu để đóng góp cho đất nước được nhiều hơn nữa và cam kết sẽ cùng Chính phủ và nhân dân tận tâm giúp đỡ giới Công thương.
Những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam quán triệt, thực hiện tích cực, hiệu quả. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân nước ta thường xuyên được quan tâm, tạo thuận lợi để sản xuất, kinh doanh, phát triển ngày càng lớn mạnh. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp tốt đã được Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức đưa nhanh vào thực tiễn cuộc sống. Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định chủ trương, quyết tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh.
Chính phủ, các Bộ, ngành đoàn thể, cơ quan chức năng, các tầng lớp nhân dân cũng chủ động, tích cực đồng hành cùng với doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ kịp thời có những chính sách phù hợp, khả thi, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, trong đó tập trung tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Các Bộ, ngành, địa phương có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, doanh nhân để cùng bắt tay nhau phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mối quan hệ hữu cơ, các bên cùng có lợi. Nhân dân, với lực lượng lao động ngày càng ổn định, phát triển, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ngày càng cao, trở thành động lực lớn thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh.
Những năm qua, Kiểm toán nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của mình đã có những đóng góp rất thiết thực vào sự phát triển minh bạch của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thông qua hoạt động của mình, Kiểm toán nhà nước đã giúp cho các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện các quy tắc đạo đức của doanh nhân Việt Nam, trong đó có quy tắc tuân thủ pháp luật và minh bạch, công bằng, liêm chính. Thực tế đáng mừng là các doanh nghiệp, doanh nhân luôn có ý thức trách nhiệm, hành động cụ thể để phối hợp với Kiểm toán nhà nước hoàn thành nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của từng bên. Đây là cơ sở quan trọng để trong thời gian tới, mối quan hệ phối hợp tốt đẹp ấy sẽ được duy trì và phát triển hơn.
79 năm qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không phụ lòng tin yêu, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Nhân dân nỗ lực phấn đấu cống hiến cho đất nước, cho đồng bào. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn chủ động, chú trọng xây dựng đạo đức, tác phong, nhân cách để phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Nhờ những nỗ lực tổng hợp, đồng bộ, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang ngày càng trưởng thành, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng trong những năm đổi mới vừa qua, các doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp khoảng hơn 60% GDP hằng năm của đất nước. Đúng như đánh giá của Đảng: “Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị, khóa XIII đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhấn mạnh vấn đề xây dựng đạo đức, văn hóa, trách nhiệm, danh dự của doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, với nhân dân. Đây chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, hùng cường./.