Củng cố vững chắc quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và cộng đồng Pháp ngữ
Chính trị - Ngày đăng : 14:36, 10/10/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ai-len, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Với lịch trình hoạt động dày đặc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Chuyến công tác đạt được nhiều kết quả thực chất, làm sâu sắc và đưa quan hệ Việt Nam với Mông Cổ, Ai-len, Pháp đi vào chiều sâu trên cơ sở củng cố nền tảng truyền thống, hữu nghị, minh chứng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc (năm 2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Mỹ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023), Australia (tháng 3/2024) và Pháp (tháng 10/2024).
Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, góp phần tăng cường, củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 với chủ đề “Sáng tạo, Đổi mới và Khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động và phát triển. Sự lớn mạnh của DN, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động DN đã góp phần đáng kể tạo nên những thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Top 20 nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, một mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do.
Kêu gọi các DN, các nhà đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, đến đầu tư tại Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết: Việt Nam đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế, vị trí rất thuận lợi để giúp các DN cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, DN lớn mang tầm vóc quốc tế. “Những tiềm năng to lớn và sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ, sẽ cùng nhau mở ra những chương mới trong quan hệ hợp tác, đóng góp tích cực vào sự phát triển của DN và mỗi quốc gia” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Gặp Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OIF; đề nghị OIF quan tâm thúc đẩy các mô hình hợp tác ba bên hỗ trợ các nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác Nam - Nam; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp bằng tiếng Pháp. Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo hoan nghênh việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ ở cấp cao nhất, khẳng định đây là vinh dự cho OIF. Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữ, đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam; trong đó có những người Việt Nam đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các cơ quan của Pháp ngữ.
Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Cộng hoà dân chủ Madagascar Andry Nirina Rajoelina mong muốn tăng cường quan hệ song phương ở tất cả các cấp, các kênh và trên tất cả các lĩnh vực với Việt Nam và mong muốn hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đánh giá Việt Nam là đối tác kinh tế ngày càng quan trọng trong khu vực, là đối tác ưu tiên cao về hợp tác phát triển và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu...
Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong không khí tin cậy và thẳng thắn, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Về kinh tế - thương mại, hai bên đánh giá cao hợp tác giữa Bộ, ngành, địa phương hai nước trong lĩnh vực này; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan DN hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Tổng thống Macron khẳng định, EVIPA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội thông qua EVIPA; đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP và chuyển đổi xanh. Ghi nhận những kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như: Hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng giao thông sân bay. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Pháp và các nước phương Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu... Nhân dịp này, nhiều văn kiện, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải… đã được các Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết.
Tại cuộc hội kiến gữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun - Pivet, hai nhà lãnh đạo khẳng định thúc đẩy tăng cường hợp tác và trao đổi đoàn giữa Quốc hội hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp hai nước; đồng thời phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới. Là đối tác JETP của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc thích ứng với biến đổi khí hậu; đặc biệt về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách trong quá trình triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng góp phần ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hội kiến gữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Chủ tịch Thượng viện nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước, nhất là tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả...
Những dấu ấn nổi bật trong chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế./.