Tăng tính chủ động, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công
Pháp luật - Ngày đăng : 20:58, 10/10/2024
Gỡ vướng trong phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia, tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công;
Dự thảo Luật sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 26 theo hướng phân quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (đối với tài sản chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức), trừ tài sản là vật tiêu hao không phải ban hành tiêu chuẩn, định mức.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi Bộ, ngành, địa phương.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, theo quy định hiện hành mọi Đề án sử dụng tài sản công đều do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Về vấn đề này, Báo cáo số 924/BC-ĐGS ngày 16/5/2024 của UBTVQH về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021” đã phản ánh thực tiễn các đơn vị sự nghiệp công lập gặp rất nhiều vướng mắc do quy trình phê duyệt kéo dài.
Để giải quyết vướng mắc này, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi quy định này theo hướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh ban hành các quy định về thẩm quyền phê duyệt các Đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Do vậy, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với Dự thảo Luật.
Trao quyền phải gắn với tăng trách nhiệm
Quan tâm đến vấn đề này, tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, Báo cáo thẩm tra nêu, theo quy định hiện hành, mọi đề án sử dụng tài sản đều do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, vì vậy cũng xảy ra những khó khăn, chậm trễ trong việc sử dụng các tài sản này.
Tháo gỡ phải có những hành lang, những điều kiện áp dụng để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, bảo vệ cán bộ, đề phòng từ sớm, từ xa; nếu không mở ra thế này lại tạo ra những hệ quả khác.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Nhằm mở ra hướng giải quyết vướng mắc, Dự thảo Luật kiến nghị sửa đổi quy định này theo hướng giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh ban hành các quy định về thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng giao thẩm quyền cho các cơ quan tự chịu trách nhiệm và giao cho đơn vị cấp dưới.
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác điều hành ở địa phương, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, khi giao thẩm quyền như vậy thì nên có điều kiện hoặc quy định cụ thể, chẳng hạn như HĐND giao việc này chỉ đến cấp nào đối với tài sản cỡ bao nhiêu; cần quy định cụ thể để tránh thất thoát, bởi tất cả những việc liên quan đến tài sản công phải quản lý chặt chẽ, kể cả sử dụng, quản lý tài sản công.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị, cơ quan soạn thảo quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề có thể tháo gỡ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần bổ sung các chế định để bao quát được các loại tài sản là các sản phẩm đầu ra của các nhiệm vụ khoa học, công nghệ hoặc các quy định liên quan đến xử lý các tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, cũng như các nghiên cứu hoặc là triển khai, phát triển ứng dụng. Đây là những vấn đề của các Bộ, các ngành, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu và thấy có vướng mắc trong thời gian vừa qua.