Trung du và miền núi phía Bắc tập trung phát triển 5 khu kinh tế cửa khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 18:32, 11/10/2024

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
55.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Kế hoạch đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào; trước hết tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số.

Đồng thời, tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa Bình; các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai. Phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.

Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ. Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 gắn với đẩy mạnh thông tin thị trường lao động. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Thái Nguyên phát triển là khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của vùng; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang); Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu tiềm năng phát triển các trường đại học cấp tiểu vùng tại Điện Biên và Lai Châu...

Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng

Đồng thời, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước, chuyển nước quy mô liên vùng, liên tỉnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn vùng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.../.

HỒNG NHUNG