Doanh nghiệp Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị gỡ khó trong huy động vốn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 12/10/2024
Cụ thể, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) được khởi công ngày 21/4/2024. Ngay sau khi khởi công, Liên danh Nhà đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã cùng doanh nghiệp dự án (DNDA), nhà thầu thi công huy động 15 mũi thi công, 180 thiết bị, 350 nhân sự để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, thậm chí có thể dẫn đến việc dừng triển khai.
Ngày 13/3/2024, ngân hàng TPBank đã cam kết tài trợ vốn tín dụng 2.500 tỷ đồng và đã phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Dự án.
Mặc dù hợp đồng đã được ký kết, nhưng đến nay Dự án vẫn chưa thu xếp được vốn tín dụng do ngân hàng lo ngại về tỷ lệ vốn NSNN tham gia chưa đảm bảo; cũng như doanh thu dự kiến không đạt kỳ vọng.
Nhà đầu tư và DNDA đã nhiều lần báo cáo và tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ, song đến nay vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để.
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tiếp tục vay vốn để thực hiện các Dự án PPP, trong đó có Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Từ thực trạng trên, Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc của Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn NSNN hỗ trợ Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư (TMĐT) để ngân hàng có cơ sở thực hiện tài trợ vốn.
Ngoài ra, DNDA cũng kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nắm bắt thông tin từ Nhà đầu tư để kiến nghị Quốc hội có biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tăng tỷ lệ vốn NSNN cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo thu xếp tín dụng.
Về lâu dài, doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi Luật PPP để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ cho các dự án gặp khó khăn do doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính đã ký kết.
Đối với những dự án đã khai thác nhưng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng do nguyên nhân khách quan (không phải lỗi của nhà đầu tư), sau khi áp dụng các giải pháp theo hợp đồng nhưng vẫn không khả thi, cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét việc bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ, tối đa là 70% tổng vốn đầu tư dự án dựa trên giá trị được quyết toán. Đại Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết.