Ninh Bình: Chuyển đổi số gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ

Xã hội - Ngày đăng : 09:46, 13/10/2024

Thời gian qua, Ninh Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích của các ứng dụng số trong cuộc sống hàng ngày; đầu tư nâng cấp hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin mạng. Đặc biệt, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức luôn được địa phương chú trọng.

Theo ghi nhận, thời gian qua, việc triển khai nền tảng Công dân số và chữ ký số ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh trong hành trình chuyển đổi số. Người dân đã chủ động cài đặt các phần mềm, ứng dụng số như: tài khoản định danh điện tử VNeID, công dân số My Ninh Bình. Dưới sự hướng dẫn của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ bộ phận một cửa, công dân dễ dàng thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đem lại những lợi ích thiết thực.

Điều này góp phần hình thành một kênh tương tác chính thống giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số, ứng dụng Công dân số-My Ninh Bình và sử dụng chữ ký số trên thiết bị di động đã được triển khai ở tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình.

mot-cua.jpg
Cán bộ bộ phận một cửa giúp công dân dễ dàng thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đem lại những lợi ích thiết thực.

Tại huyện Yên Khánh, người dân đang tích cực tìm hiểu và cài đặt ứng dụng Công dân số. Trước khi nhân rộng cho công dân, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ xóm phố và các tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn về các phần mềm. Những tiện ích trong đời sống được tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt như: Tài khoản định danh điện tử VNeID; dịch vụ công; hoạt động hỗ trợ người dân tìm kiếm địa điểm, thanh toán trực tuyến; các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh... Đặc biệt, tại ứng dụng có phần kết nối người dân - chính quyền, có mục riêng để người dân phản ánh, kiến nghị và lấy ý kiến về các hoạt động của chính quyền địa phương.

Huyện Yên Khánh đã xây dựng kế hoạch triển khai; đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp với VNPT Ninh Bình tập huấn cho cán bộ các tổ dân phố, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về cách cài đặt, sử dụng ứng dụng, từ đó hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đến nay, có gần 3.000 người dân đã cài đặt và sử dụng ứng dụng Công dân số Ninh Bình và chữ ký số.

Tại huyện Gia Viễn, sau khi được đại diện VNPT Ninh Bình hướng dẫn 2 bước để xác thực thông tin và kích hoạt chữ ký số ngay trên ứng dụng VNPT SmartCA gồm: Chụp ảnh và quay video giấy tờ tùy thân với ảnh chụp chân dung, nhiều cán bộ, công chức và người dân đã xác minh danh tính, trích xuất thông tin và tạo được chữ ký điện tử của riêng mình với độ bảo mật cao.

Chữ ký số giúp tăng cường bảo mật; cung cấp phương pháp bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử với kỹ thuật, công nghệ mật mã cao; xác thực người ký, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu. Đồng thời, giúp tối ưu hóa thời gian xử lý các văn bản, không cần phải ký tay hoặc mất thời gian chuyển tài liệu giấy như phương pháp ký thủ công.

Thế mạnh của chữ ký số từ xa VNPT SmartCA giúp thuận lợi trong công tác số hóa các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và ký các hợp đồng về kinh tế. Về lâu dài sẽ ứng dụng trong hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác trong cuộc sống của người dân. Ðể đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trên địa bàn, huyện đã tăng cường công tác truyền thông, phối hợp với VNPT tổ chức các lớp tập huấn tới các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn.

Nền tảng Công dân số và chữ ký số đi vào hoạt động thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng một chính quyền phục vụ người dân và vì người dân. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Cùng với đó, để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tại Bộ phận Một cửa các cấp đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp như: Trang bị máy lấy số tự động có hiển thị trên màn hình và được kết nối với các Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; bố trí máy công dân, tổ chức tự nộp hồ sơ trực tuyến để trải nhiệm các tiện ích của dịch vụ công; triển khai thực hiện ký số, số hóa hồ sơ, luân chuyển và phê duyệt, trả kết quả trên môi trường điện tử.

ninh-binh-1.jpg

Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa các cấp; hỗ trợ tư vấn thông tin TTHC cần giải quyết qua tổng đài điện thoại; hỗ trợ kê khai thông tin TTHC ban đầu; hướng dẫn tạo lập tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện thu phí, lệ phí qua biên lai điện tử; trang bị thêm hệ thống máy scan hỗ trợ quy trình số hóa, luân chuyển hồ sơ TTHC; thực hiện thí điểm “một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy”. Công khai đường dây nóng trong tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC; quá trình xử lý, kết quả giải quyết TTHC được cập nhật thường xuyên trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Fanpage Bộ phận một cửa, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, zalo,…

Với những cách làm cụ thể, phù hợp, thiết thực, đã nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Minh chứng rõ nét là các TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, thực hiện trên môi trường mạng ở bất cứ đâu (ở nhà, tại cơ quan hay địa phương khác), giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tạo sự công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh trong giải quyết TTHC.

Thành Nam