Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024
Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 14/10/2024
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, hệ thống tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, đảm nhận vai trò cung cấp nguồn vốn trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
Trong đó, hệ thống ngân hàng đang giữ vai trò chủ đạo với tổng tài sản vượt mức 21 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế luôn vận động, vai trò của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, đặc biệt là nhóm công ty chứng khoán và công ty tài chính, ngày càng được chú trọng.
Các công ty chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn phát hành cổ phiếu, trái phiếu và hỗ trợ giao dịch chứng khoán. Họ không chỉ là cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp mà còn là nhân tố thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả của thị trường tài chính.
Hơn nữa, các công ty tài chính góp phần quan trọng vào việc mở rộng nguồn vốn tín dụng tiêu dùng, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng, mua sắm hoặc đầu tư nhỏ lẻ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, dẫn đến sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Sự kết hợp giữa hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng tạo nên một hệ thống tài chính linh hoạt, đa dạng và đáp ứng nhu cầu vốn cho mọi thành phần trong nền kinh tế.
Việc nâng cao năng lực và phát triển bền vững của các công ty chứng khoán và công ty tài chính sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nhìn lại năm 2023, các công ty chứng khoán đã cho thấy kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, sau mức đáy của thị trường được ghi nhận vào năm 2022 bởi hàng loạt các biến cố trên thị trường bất động sản và ngân hàng.
Sự bình tĩnh trở lại của thị trường đã vực dậy các công ty chứng khoán, tuy nhiên, mức phục hồi chưa kéo thị trường trở lại vùng đỉnh của năm 2021.
Nhưng thị trường phục hồi là khoảng thời gian tốt để có thêm nhiều nhà đầu tư mới. Đến hết năm 2023, số lượng tài khoản chứng khoán đạt 7,2 triệu, tăng hơn gần 400 nghìn tài khoản so với năm 2022.
Tuy nhiên, một lần nữa, câu chuyện lỡ hẹn vận hành hệ thống KRX được nhắc đến, hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dang dở, nhiều khía cạnh về quy định pháp luật cần hoàn thiện để đủ điều kiện đưa thị trường chứng khoán nâng hạng trở thành thị trường mới nổi, tạo ra bước tiến mới nhanh hơn, bền vững hơn.
Nhóm công ty tài chính trải qua năm 2023 đầy khó khăn khi nền kinh tế tăng trưởng 5,05% chưa như kỳ vọng, lạm phát đã đẩy lãi suất lên cao và chỉ giảm thực sự vào nửa sau năm 2023 đã ảnh hưởng nặng nề tới mong muốn tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân, kể cả đó là khả năng chi trả trong tương lai.
Cụ thể, đỉnh lãi suất huy động đầu năm 2023 đạt tới 12%/năm, tạo áp lực tăng lãi suất cho vay, đặc biệt là vay tiêu dùng và tín chấp. Nhiều khoản vay tiêu dùng phải gánh mức lãi suất trên 50%/năm, một con số gây lo ngại trong bối cảnh pháp luật chưa có quy định rõ ràng về trần lãi suất cho hình thức vay này.
Mức lãi suất cao bất thường trong một khoảng thời gian kéo dài không chỉ làm giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng, mà còn gây ra áp lực trả nợ nặng nề đối với người dân. Với tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình và cá nhân chưa phục hồi sau đại dịch và các khó khăn kinh tế, các khoản vay đã trở thành gánh nặng, kết quả dẫn tới nợ xấu gia tăng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các công ty tài chính và cho thuê tính đến cuối tháng 1/2024 giảm hơn 6.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương mức sụt giảm 2,28%. Trước đó, năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất trong nhiều năm của nhóm này với mức giảm hơn 8.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng tài sản của các công ty tài chính đã giảm gần 15.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024, phản ánh rõ ràng tình hình khó khăn của ngành.
“Bức tranh” ảm đạm của nhóm công ty tài chính năm 2023 phản ánh một thực tế khó khăn của nền kinh tế, nơi mà sự kết hợp giữa lạm phát cao và khả năng chi tiêu suy giảm đã tạo nên một vòng xoáy tiêu cực đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tài chính mà còn làm giảm đi niềm tin của người dân vào các hình thức vay tiêu dùng trong bối cảnh lãi suất cao và thu nhập không cải thiện.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, điểm sáng cho nhóm công ty tài chính đã xuất hiện. Tổng tài sản của các công ty trong ngành đã tăng trở lại từ vùng đáy vào tháng 2/2024.
Mặc dù tổng tài sản chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực đối với nhóm công ty tài chính. Trong 6 tháng đầu năm, một số công ty lớn trong ngành đã công bố thông tin về mức lợi nhuận đạt được, điều này có được nhờ nền kinh tế đang phục hồi tốt, nợ xấu trên thị trường được kiểm soát phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính tới ngày 30/6/2024 đối với nhóm công ty tài chính là 18,95%, luôn duy trì cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định…
Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report