Mở ra không gian phát triển mới cho Petrovietnam vươn tầm khu vực và quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 22:32, 11/10/2024
Tiên phong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Theo Chiến lược phát triển, Petrovietnam đang hướng tới trở thành Tập đoàn Công nghiệp - năng lượng quốc gia, giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Để làm được điều đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để thể chế hóa thành các cơ chế chính sách, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để có thể bắt kịp các Tập đoàn cùng ngành trong khu vực, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển hùng cường của đất nước.
Ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ, ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam - Người khẳng định: “Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước”. Và cách đây tròn 20 năm, để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ngày 20/9/2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Trong chặng đường phát triển, với những thành tựu mà cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được luôn có sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Đảng và Nhà nước.
Nhìn nhận về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
Thực tế cho thấy DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước hiện diện trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế (sân bay, cảng biển, dầu khí, than, khoáng sản, đường sắt, ngân hàng...), nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt DNNN còn hiện diện tại những ngành lĩnh vực nhiều rủi ro, biên lợi nhuận thấp, địa bàn khó khăn...
Trong giai đoạn 2021- 2023, các DN 100% vốn nhà nước duy trì nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, chiếm khoảng 25,8% tổng vốn sản xuất kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu NSNN, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN.
Đối mặt nhiều thách thức, Petrovietnam nhận diện rõ những rủi ro
Tình hình thế giới, khu vực thời gian qua có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp; tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ; các biến động của thị trường ngày càng khó dự báo, xu hướng dịch chuyển năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... làm cho tất cả các thành phần kinh tế bao gồm cả DNNN đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Do đó, theo ông Lê Mạnh Hùng, các DN cần phải nhận diện rõ những rủi ro, thách thức; xác định mục tiêu mới, hoạch định chiến lược phát triển mới phù hợp để tiếp tục giữ vai trò trụ cột, là động lực cho phát triển đất nước. Đó là thách thức về thị trường và công nghệ; quản trị DN; năng lực tài chính; rủi ro thiên tai, dịch bệnh; rủi ro biến động lớn khi tham gia đầu tư những lĩnh vực mới... Bối cảnh này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính nội tại DN và cùng với đó là sự hỗ trợ cũng như tạo cơ chế chính sách của Chính phủ cho DNNN để có thể phát triển một cách ổn định và bền vững.
Theo kiến nghị của ông Lê Mạnh Hùng, đối với bản thân các DNNN, cần tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ; đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, số hóa, minh bạch; nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng tích lũy năng lực tài chính.
Về phía Nhà nước, Chính phủ, ông Lê Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về DNNN, các quy định pháp luật về quản trị DN, quản lý vốn, tài sản đất đai...
Cùng với đó, cần ban hành các cơ chế phân cấp, phân quyền ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, đặc biệt là đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nắm giữ các ngành nghề then chốt, quan trọng của đất nước và có quy mô lớn.
Đặc biệt, cần cho phép một số các Tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, có hoạt động kinh doanh chịu nhiều rủi ro, biến động của thị trường, thiên tai, thực hiện trách nhiệm đầu tư/khai mở các lĩnh vực kinh doanh mới được hình thành Quỹ dự phòng tài chính trích từ lợi nhuận sau thuế hàng năm để bù đắp cho các tổn thất (nếu có) xảy ra, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của DN.
Nhà nước cũng cần có cơ chế thí điểm tăng cường năng lực tài chính cho một số DNNN trọng điểm để phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia.
Thêm nữa, cần đổi mới trong đánh giá hiệu quả đối với DNNN theo hướng giao chỉ tiêu, mục tiêu; tạo tính chủ động sáng tạo cho DN trong sản xuất kinh doanh đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo DNNN phát triển đúng định hướng, đạt mục tiêu đề ra.
Chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, tạo đột phá
Với Petrovietnam - một trong 6 tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ - được các tổ chức quốc tế đánh giá: Các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam; hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam rất hiệu quả và là DNNN đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước (nộp NSNN giai đoạn 2021-2023 chiếm tỷ trọng bình quân 8,4%/năm tổng thu ngân sách cả nước).
Về nguồn lực hiện tại, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đến 31/12/2023 đạt trên 1,01 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 26% tổng tài sản của toàn bộ các DNNN (3,82 triệu tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 28,1% tổng tài sản của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước (3,51 triệu tỷ đồng).
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ hữu (ROE) của Petrovietnam giai đoạn 2021- 2023 đạt 8,3%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) giai đoạn 2021- 2023 đạt 4,3%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với các DNNN (4%).
Nếu so với DN trong nước, có thể thấy Petrovietnam lớn mạnh hàng đầu, nhưng nếu so với các Tập đoàn trong khu vực và quốc tế thì quy mô và năng lực của Petrovietnam còn khá khiêm tốn. Hơn nữa, Petrovietnam cũng đang gặp nhiều thách thức chung từ bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế. Trước xu thế này, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để có thể bắt kịp các Tập đoàn cùng ngành trong khu vực.
Ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76 mở ra không gian phát triển mới, cơ chế tạo nguồn lực để ngành dầu khí, trong đó có Petrovietnam phát triển. Trên lộ trình sắp tới, Petrovietnam rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để thể chế hóa thành các cơ chế chính sách cụ thể, trước hết là cụ thể hóa trong Điều lệ và Quy chế tài chính của Petrovietnam.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển hùng cường của đất nước.
Petrovietnam cùng các DNNN luôn hiểu rằng, để đạt được những thành công ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của ban lãnh đạo và tập thể người lao động tại doanh nghiệp thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã luôn đồng hành, tạo điều kiện cho DN phát triển./.