Hướng đến mục tiêu hạn chế “đô la hóa” trong nền kinh tế
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 24/12/2018
(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (Thông tư 24) về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Dự thảo Thông tư), với nhiều thay đổi trong chính sách tín dụng ngoại tệ. Theo NHNN, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24 nhằm cụ thể hóa phương án và lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và hạn chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế.
Thu hẹp các nhu cầuvay ngoại tệ
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư là việc NHNN đã đưa ra lộ trình cụ thể dừng cho vay ngoại tệ đối với hai đối tượng. Thứ nhất là việc cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019. Thứ hai là cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Theo NHNN Việt Nam, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi (lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VND). Vì vậy, tín dụng ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định.
Nhiều chuyên gia đánh giá, quy định trong Dự thảo Thông tư chính là một bước thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Trên thực tế, hạn chế “đô la hóa” là vấn đề được NHNN tập trung giải quyết nhiều năm nay. Trần lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam đã được đưa về 0%/năm vào nửa cuối năm 2015. Ở chiều cho vay, Thông tư 24 đã “siết" nhu cầu vay vốn ngoại tệ DN, giới hạn chỉ 5 đối tượng được tiếp cận vốn vay USD. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế.
Tăng cường năng lựccạnh tranh xuất khẩu
Trong khi thu hẹp các nhu cầu vay vốn, Dự thảo Thông tư dỡ bỏ quy định về thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; đồng thời quy định: cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Theo NHNN, các quy định trên nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao (đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung).
NHNN cũng khẳng định, chính sách cho vay đối với nhu cầu trên hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế “đô la hóa” của Chính phủ và NHNN, do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng “đô la hóa” nào đối với nền kinh tế. Bởi theo quy định tại Dự thảo Thông tư, khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Điều đó khiến cho ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, Dự thảo Thông tư cũng cho phép DN được mua ngoại tệ tại TCTD cho vay hoặc tại TCTD khác để trả nợ vay trong trường hợp khi đến hạn trả nợ vay bằng ngoại tệ mà khách hàng vay chứng minh được do nguyên nhân khách quan dẫn đến nguồn ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay bị chậm thanh toán, khách hàng vay không có hoặc chưa có đủ ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác để trả nợ vay. Quy định trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch mua bán ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng, đồng thời thực hiện đúng cam kết về các nội dung truyền thông của NHNN liên quan đến Đề án Chống “đô la hóa”, đó là chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Quy định này cũng là điểm mới nhằm thuận lợi hơn cho DN đi vay, tạo thêm quyền cho khách hàng khi được lựa chọn TCTD để mua ngoại tệ (theo quy định hiện hành, DN chỉ được mua ngoại tệ tại chính TCTD cho vay), qua đó, tạo sự thông thoáng, đa dạng cho thị trường mua bán ngoại tệ.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018