Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ - nguyên nhân từ đâu?

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 24/12/2018

(BKTO) - Theo định hướng phát triển đất nước, Chính phủ ngày càng chú trọng và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành kinh tế, thông qua hình thức cổ phần hóa (CPH) các DNNN. Sau một thời gian thực hiện, công tác CPH đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, số lượng và giá trị vốn hoá của Nhà nước hiện đang nằm tại các công ty cổ phần vẫn còn rất lớn.


Công tác cổ phần hóa diễn rarất thận trọng và chậm chạp

Dựa trên yêu cầu và tính chất triển khai, có thể phân chia quá trình thực hiện CPH thành một số giai đoạn chính: Một là, giai đoạn thí điểm CPH từ năm 1998 trở về trước. Ở giai đoạn này, có 123 DN đã được CPH. Hai là, giai đoạn đẩy mạnh CPH (1998-2011) theo hàng loạt Nghị định của Chính phủ. Trong giai đoạn này, có tổng số 3.858 DN được CPH. Ba là, giai đoạn CPH nhằm tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015"; Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (từ năm 2012 - nay). Số DN được CPH ở giai đoạn này là 575.

Riêng trong năm 2017, đã có 45 DN được phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị thực tế là 213.747 tỷ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế của các DN đã CPH trong năm 2016.

Về tình hình thoái vốn, năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018. Một số đơn vị lớn như: Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… đã thực hiện việc thoái vốn trong năm 2017 này.

Theo đánh giá chung, tiến độ CPH ở nước ta thời gian qua diễn ra rất thận trọng và rất chậm. Bắt đầu từ Chỉ thị số 202/CT ngày 08/6/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đến nay, việc CPH đã triển khai được gần 26 năm nhưng vẫn không thể đạt yêu cầu của kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2011 đến 2014, có 260 DN được CPH, đạt 60% kế hoạch; trong giai đoạn 2011-2015, có 499 DN và bộ phận DN được CPH, đạt 96,3% kế hoạch. Đặc biệt, trong hai năm 2016-2017, chỉ có 95 DN và bộ phận DN được CPH. Tính đến ngày 31/12/2017, cả nước vẫn còn 678 DNNN thuộc diện phải CPH.

Dù đã qua 26 năm thực hiện CPH, nhưng giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán ở nước ta vẫn rất thấp, số lượng các DNNN lớn chưa được CPH còn nhiều, chẳng hạn: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc; các đơn vị lớn thuộc ngành dầu khí,…

Bên cạnh đó, chất lượng CPH cũng chưa đạt như mong muốn. Công tác CPH mới chỉ đạt được việc đăng ký là DN cổ phần, còn cả quá trình bao gồm thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị DN cũng như các khâu sau CPH vẫn tồn tại rất nhiều yếu kém.

Trong quá trình CPH, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng khó khăn, các nhà đầu tư có năng lực chưa thật sự tham gia vào thị trường; phía tư vấn chưa định hướng rõ con đường xây dựng hình ảnh DN trong tương lai, chưa tính đúng, tính đủ giá trị DN và bán cổ phần.

Ngoài ra, vấn đề thông tin trong quá trình CPH thời gian qua cũng chưa thực sự công khai, minh bạch…

Lý giải nguyên nhân từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước

Những năm gần đây, KTNN chuyên ngành VI đã được giao thực hiện kiểm toán xác định giá trị DN của một số DNNN lớn như: Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline), Tổng công ty Điện lực Dầu khí,… Từ các cuộc kiểm toán này, KTNN chuyên ngành VI đã chỉ ra một số nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng CPH chậm, chưa đúng với lộ trình, chưa bảo đảm tiến độ, còn nhiều DN quy mô lớn chưa được CPH.

Theo đánh giá của KTNN, về mặt khách quan, việc phải CPH trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi là một nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ CPH. Thêm vào đó, công tác này lại được thực hiện đồng thời với quá trình tái cơ cấu DNNN, và hai hoạt động này thường gắn kết nhau, khiến cho quá trình CPH bị kéo dài thêm.

Về mặt chủ quan, do cơ chế, chính sách đối với CPH DNNN hiện hành vẫn chưa được hoàn chỉnh, công tác giám sát, kiểm tra chưa tốt, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn có những “nút thắt” vướng mắc trong chính sách, quy định… nên các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN đã không thể xử lý kịp thời.

Trên thực tế, không ít cán bộ lãnh đạo DN vẫn có tâm lý e ngại, chần chừ, sợ gặp những vấn đề phức tạp sau khi CPH, thậm chí, một số lãnh đạo còn tính toán sự "được - mất" cho cá nhân mình, so sánh lợi ích của bản thân giữa thời điểm chưa CPH và sau CPH. Chính tâm lý tiêu cực này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ CPH.

Việc CPH diễn ra chậm chạp cũng có một nguyên nhân từ thị trường chứng khoán. Thời gian qua, thị trường chứng khoán của nước ta phát triển không thuận lợi, nhu cầu của các nhà đầu tư không tăng. Trong khi đó, việc CPH lại thực hiện với số lượng lớn, khiến cho cung nhiều hơn cầu và thị trường đã không thể hấp thụ được;

Vấn đề không thể thu hút nhà đầu tư lớn cũng như cổ đông chiến lược có thể lý giải bằng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước. Sau CPH, tại nhiều DN, Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần rất lớn, thậm chí còn đến 80%. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, không dám bỏ tiền vào DN vì sợ không có quyền gì trong quá trình điều hành.

Phân tích từ các báo cáo kiểm toán cho thấy, đặc điểm của ngành và lĩnh vực hoạt động cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ CPH. Hiện nay, rất nhiều DNNN chưa được CPH là DN nông, lâm trường quốc doanh. Do các DN này có sản phẩm gắn với lợi thế về đất đai nên việc định giá khá phức tạp, rất khó để đẩy nhanh tiến độ CPH.

Trong giai đoạn tới, đối tượng CPH chủ yếu là những DN có quy mô lớn, cụ thể là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Chính vì vậy, quá trình CPH sẽ còn phức tạp hơn, cần nhiều thời gian hơn, nhất là khi nó lại đi liền với quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN.

Việc nhận biết rõ thực trạng cũng như những nguyên nhân sâu xa làm chậm tiến trình CPH sẽ giúp KTNN xác định rõ vai trò, vị trí của mình đối với sứ mệnh thúc đẩy tiến trình CPH các DNNN trong thời gian tới.
ThS. TRỊNH MINH THẮNG
KTNN chuyên ngành VI
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018