Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tăng cao trong thập kỷ tới
Tài chính - Ngày đăng : 06:29, 17/10/2024
Nợ công toàn cầu sẽ đạt 93% tổng GDP toàn cầu
IMF dự báo nợ công toàn cầu sẽ đạt 93% tổng GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 và tiến tới 100% vào năm 2030, vượt xa mức đỉnh 99% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và tăng 10% so với năm 2019.
"Sự bất ổn về chính sách tài khóa đã gia tăng và các ranh giới đỏ chính trị về thuế đã trở nên cố hữu hơn… Áp lực chi tiêu để giải quyết các quá trình chuyển đổi xanh, dân số già hóa, lo ngại về an ninh và những thách thức phát triển lâu dài đang gia tăng", IMF cho biết.
IMF chỉ ra nhiều yếu tố gây áp lực lên nợ công, bao gồm sự bất ổn về chính sách tài khóa và áp lực chi tiêu để giải quyết các vấn đề như quá trình chuyển đổi xanh, dân số già hóa, lo ngại về an ninh và những thách thức phát triển lâu dài.
Mối quan ngại của IMF về mức nợ gia tăng xuất hiện vào ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó cả hai ứng cử viên đều hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế và chi tiêu có thể làm tăng thêm hàng nghìn tỷ đô la vào thâm hụt liên bang.
Theo ước tính trung tâm của Ủy ban Ngân sách Liên bang (CRFB), kế hoạch cắt giảm thuế của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ làm tăng thêm khoảng 7.500 tỷ USD nợ mới trong 10 năm, gấp hơn hai lần so với 3.500 tỷ USD từ các kế hoạch của Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng cử viên đảng Dân chủ.
Báo cáo cho biết các dự báo về nợ có xu hướng đánh giá thấp kết quả thực tế với biên độ đáng kể, với tỷ lệ nợ thực tế trên GDP trong 5 năm tới trung bình cao hơn 10% so với dự báo ban đầu.
Và nợ có thể tăng thêm đáng kể do tăng trưởng suy yếu, điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chính sách tài khóa và tiền tệ bất ổn hơn ở các nền kinh tế quan trọng như Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo bao gồm một "kịch bản cực kỳ bất lợi" liên quan đến các yếu tố này cho thấy nợ công toàn cầu có thể đạt 115% chỉ trong ba năm, cao hơn 20% so với dự kiến hiện tại.
Bên cạnh đó, IMF lặp lại lời kêu gọi củng cố tài khóa nhiều hơn, cho biết môi trường hiện tại với tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp là thời điểm thích hợp để thực hiện. Tuy nhiên, với những nỗ lực hiện tại, trung bình là 1% GDP trong vòng 6 năm từ 2023 đến 2029 là không đủ để giảm hoặc ổn định nợ.
Tại Mỹ, dự kiến thâm hụt tài khóa năm 2024 sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ USD, tương đương hơn 6,5% GDP. Các quốc gia khác như Brazil, Anh, Pháp, Ý và Nam Phi cũng có dự báo nợ tiếp tục tăng. IMF cảnh báo rằng những quốc gia này có thể phải đối mặt với hậu quả tốn kém trong tương lai nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tăng cao trong thập kỷ tới
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, tình hình nợ công toàn cầu đang trở nên đáng lo ngại. Báo cáo cảnh báo rằng các quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ ngoại tệ trong tương lai do nợ công tăng và lãi suất vay cao hơn, có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ thường xuyên hơn.
S&P Global Ratings chỉ ra rằng mức xếp hạng tín nhiệm nói chung của các quốc gia trên thế giới đã giảm trong thập kỷ qua. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại, đặc biệt khi thế giới vừa trải qua một giai đoạn khó khăn với nhiều vụ vỡ nợ quốc gia, bất chấp nhận định của các nước chủ nợ giàu có rằng nguy cơ khủng hoảng nợ công toàn cầu đang giảm bớt.
Báo cáo của S&P cho rằng khi một quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và dòng vốn chảy ra nước ngoài nhanh chóng thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu thanh khoản và khả năng trả nợ. Trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của chính phủ đang trở nên đáng báo động.
Đại dịch COVID-19 năm 2020 đã gây áp lực lớn lên tài chính công, dẫn đến bảy trường hợp vỡ nợ công, bao gồm Belize, Zambia, Ecuador, Argentina, Liban và Suriname. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraine hồi tháng 2/2022, khiến tám quốc gia khác vỡ nợ trong giai đoạn 2022-2023.
Phân tích của S&P Global Ratings về các vụ vỡ nợ trong 20 năm qua cho thấy các nước đang phát triển hiện đang phụ thuộc nhiều hơn vào vay nợ chính phủ. Tuy nhiên, khi sự phụ thuộc này đi kèm với các chính sách khó đoán, việc thiếu tính độc lập của ngân hàng trung ương và thị trường vốn nội địa kém phát triển, nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng cao.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng nợ công cao và mất cân đối tài chính có thể dẫn đến tình trạng vốn chảy ra nước ngoài, làm tăng áp lực cán cân thanh toán, giảm dự trữ ngoại hối và cuối cùng là hạn chế khả năng đi vay của một quốc gia. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy tiêu cực dẫn đến vỡ nợ.
Đáng chú ý, việc tái cơ cấu nợ hiện đang mất nhiều thời gian hơn đáng kể so với những năm 1980, gây ra những hậu quả nặng nề. Ở các quốc gia sắp vỡ nợ, thanh toán lãi suất thường tiệm cận hoặc thậm chí vượt quá 20% thu nhập của chính phủ trước khi vỡ nợ. Các quốc gia này cũng thường rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi lạm phát tăng lên hai chữ số, khiến cuộc sống của người dân ở đó khó khăn hơn.
Kết luận của báo cáo nhấn mạnh rằng vỡ nợ quốc gia có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá hối đoái và khả năng thanh toán của lĩnh vực tài chính của các nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý nợ công hiệu quả và thận trọng để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.