Sửa các luật về đầu tư: Không tạo thêm khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 17/10/2024
Tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định pháp luật
Báo cáo tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng, ban hành Dự án Luật sửa 4 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo đó, Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tinh thần là vướng đến đâu sửa đến đó, không nên cầu toàn, khẩn trương nhưng không vội vàng và phải thể hiện được nội dung sửa thiết thực, khả thi, nếu sửa xong để lại những hậu họa không xử lý được còn khó khăn hơn. Chúng ta nên đơn giản hóa, tập trung vào những vấn đề rất bức xúc, rất vướng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc Dự án Luật, song, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước (NSNN), thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho Bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính... Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan chủ trì bổ sung làm rõ.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: “Chúng ta phải rà soát rất kỹ. Bởi, đôi khi chúng ta sửa đổi một số điều nhưng không để ý các điều khác, cuối cùng đến khi thực hiện lại vướng mắc và không biết thực hiện theo cái nào”.
Tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết, tháo gỡ ngay vướng mắc
Góp ý hoàn thiện Dự án Luật, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo các quy định sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các quy định đưa ra trong Dự thảo Luật phải đảm bảo tính khả thi, thực tế, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đơn cử, trong sửa đổi Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc, Thường trực Ủy ban Kinh tế và các ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này. “Có ý kiến cho rằng, thực tế triển khai, Bộ Y tế cho rằng không có vướng mắc về đấu thầu, việc sửa quy định này chỉ thuận cho lãnh đạo quản lý, còn thiệt cho người bệnh và cơ bản không đáp ứng mục tiêu của đấu thầu; do đó đề nghị không sửa đổi quy định này” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì bày tỏ băn khoăn với dự kiến bổ sung quy định về việc đấu thầu trước. Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá kỹ các trường hợp rủi ro có thể phát sinh trong trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài không được ký kết mà không thể bố trí nguồn vốn khác; xem xét quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu để có quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh để xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật Quy hoạch cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong bối cảnh áp lực NSNN còn rất lớn, nhất là việc ưu tiên cho các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, việc cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên vào nội dung này có thể ảnh hưởng đến các nhiệm vụ sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của Luật NSNN. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc việc bổ sung nội dung này.
Quan tâm đến nội dung đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ đang đề nghị luật hóa rất nhiều nội dung đang thực hiện thí điểm. “Đây là vấn đề phải đánh giá, cân nhắc rất kỹ, vì một số chính sách thí điểm mới thực hiện, thời gian rất ngắn. Nếu cần sửa đổi đề nghị Chính phủ phải có báo cáo, ít nhất là đánh giá thực tiễn ở các địa phương đang thực hiện chính sách thí điểm này” - ông Tùng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi các quy định Luật này cần khẩn trương nhưng phải thận trọng, xem xét kỹ, chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa đạt được sự đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.
Từ những vấn đề đặt ra, rõ ràng, các nội dung đề xuất trong Dự thảo Luật cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo hơn. Đặc biệt, Dự án Luật dự kiến sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp, thì nguyên tắc này càng cần được đề cao; để đạt được mục tiêu là tháo gỡ ngay những ách tắc, những điểm nghẽn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.