Khai phá tiềm năng thị trường carbon “made in Vietnam”

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:05, 17/10/2024

(BKTO) - Hiện nay, thị trường carbon là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh việc chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đang trở thành cuộc chạy đua của các doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực, thì Việt Nam có thể trở thành điểm đến của thế giới trong nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
13.jpeg
Thị trường carbon là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia. Ảnh minh họa

Việt Nam đang nổi lên với nguồn tín chỉ giàu tiềm năng

Hiện nay, thị trường carbon có 2 dạng là thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện. Thị trường carbon tuân thủ khuyến khích các quốc gia, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đảm bảo quy trình do Liên hợp quốc đề ra. Tín chỉ carbon sau khi trao đổi sẽ được tính cộng vào NDC của nước mua tín chỉ, đồng thời nước bán tín chỉ sẽ bị trừ đi đúng lượng tín chỉ đã bán. Như vậy, quốc gia nào càng phát thải cao càng phải mua nhiều tín chỉ để bù đắp, quốc gia phát thải thấp cũng phải cân nhắc lượng tín chỉ bán ra quốc tế để vẫn đạt được mục tiêu NDC của mình.

Tính đến tháng 5/2024, các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đã ký 82 biên bản ghi nhớ/thỏa thuận ký kết về hợp tác song phương xây dựng các dự án tạo tín chỉ carbon để đưa vào thị trường tuân thủ. Tổng cộng 140 dự án thí điểm đã được triển khai, trong đó 119 dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung của Nhật Bản (JCM) và 5 dự án đã thực hiện đầy đủ các quy định theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm từ các đối tác đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đề xuất về việc trao đổi tín chỉ.

Trước xu thế ngày càng nhiều công ty, tổ chức tự nguyện giảm phát thải KNK, giới chuyên gia dự báo, quy mô thị trường carbon tự nguyện sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đạt mức 10-40 tỷ USD vào năm 2030. Thực tế, giá tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện quốc tế biến động theo cung, cầu và chất lượng tín chỉ. Thống kê của Tổ chức Credit Carbon cho thấy, năm 2023, tín chỉ từ hấp thụ rừng có giá cao nhất. Lượng tín chỉ giao dịch nhiều nhất là tín chỉ carbon rừng, tiếp đến là năng lượng tái tạo. Hiện nay, xu hướng giao dịch chuyển dần sang các dự án tạo tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.

Trong xu thế này, Việt Nam đang nổi lên với nguồn tín chỉ giàu tiềm năng do là nước nông nghiệp và có diện tích rừng lớn, có nhiều năm kinh nghiệm giảm phát thải KNK từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Đơn cử, từ kết quả hấp thụ CO2 giai đoạn 2018-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký Thỏa thuận mua bán giảm phát thải KNK 51 triệu USD. Một thỏa thuận tương tự cũng đang được xúc tiến đối với vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT - ông Hà Công Tuấn - cho biết, theo Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia mà Thủ tướng vừa phê duyệt tháng 9/2024, đến 2030, diện tích rừng chiếm gần 1 nửa diện tích đất nước (khoảng 15,8 triệu ha). “Cần nhấn mạnh rằng, tiềm năng tăng chất lượng rừng còn rất lớn. Nhiệm vụ thời gian tới là tăng chất lượng rừng để tăng bể chứa carbon, tăng giá trị dịch vụ môi trường rừng. Mật độ carbon chứa trong các loại rừng khác nhau sẽ khác nhau, và rõ ràng còn rất nhiều diện tích rừng nghèo, rừng trung bình có thể được cải thiện” - ông Tuấn lưu ý.

Theo ông Tuấn, với 30% trữ lượng carbon rừng tương đương mỗi năm, Việt Nam còn khoảng 17 triệu tín chỉ carbon có thể đưa vào thị trường carbon trong nước và quốc tế. Đây là nguồn tài chính lâm nghiệp có giá trị rất lớn. “Lượng tín chỉ carbon rừng được trao đổi với WB từ Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERP) vừa qua chưa thấm vào đâu. Nguồn hàng vẫn còn nhưng chưa giao dịch được trong khi nhu cầu hiện nay khá lớn” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Chưa kể, với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp cũng đang hướng tới tạo tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo. Nếu thành công, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bán tín chỉ carbon từ lúa gạo. “Đến thời điểm này, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại được tín chỉ carbon lúa và cũng chưa có quốc gia nào xác định được giá 1 tín chỉ carbon trồng lúa là bao nhiêu USD” - TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nêu rõ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo chuyên gia biến đổi khí hậu của WB Taisei Matsuki, mức độ hấp dẫn của tín chỉ carbon “Made in Việt Nam” sẽ càng cao khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ chứng minh kết quả giảm phát thải, tính minh bạch và lợi ích đi kèm đối với xã hội. Khi thị trường trong nước vận hành cũng đồng nghĩa với carbon ở Việt Nam xác định được giá trị và có thể bù trừ cho nghĩa vụ tuân thủ quy định giảm phát thải, thuế carbon cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nội địa mà chủ yếu trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế. Đây là vấn đề mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Theo đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai theo lộ trình từng bước.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT - ông Tăng Thế Cường - thông tin, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TNMT cùng các Bộ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành sớm nhất Đề án phát triển thị trường carbon. Đề án này quy định tất cả các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất. Dự kiến, năm 2025 sẽ thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải KNK của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải KNK. Bộ TNMT cũng đang rà soát sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự kiến, Nghị định sửa đổi sẽ đưa vào những nội dung mới về quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon.

Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê KNK. Danh mục cập nhật vừa được ban hành tháng 08/2024 và Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên kết quả kiểm kê cấp cơ sở, cấp lĩnh vực, trước mắt cho giai đoạn thí điểm từ năm sau. Dự kiến 3 lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất thép và sản xuất xi măng sẽ được phân bổ trước. Các cơ sở trong danh mục kiểm kê thuộc 3 lĩnh vực này sẽ tiên phong tham gia thị trường carbon của Việt Nam.

Bà Nghiêm Phương Thúy - Cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT - chia sẻ, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon chất lượng cao (carbon xanh...); tăng cường truyền thông, tập huấn kỹ thuật, đặc biệt về kiểm kê KNK, báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải KNK và xây dựng cơ sở dữ liệu./.

HỒNG NHUNG