Thế giới đang tìm mọi cách để tăng tỷ lệ sinh
Xã hội - Ngày đăng : 20:27, 17/10/2024
Trở thành mục tiêu quốc gia
Tại Mỹ, tỷ lệ sinh đã giảm mạnh kể từ sau cuộc Đại suy thoái, với mức giảm gần 23% từ năm 2007 đến 2022. Hiện nay, tỷ lệ sinh trung bình ở Mỹ chỉ còn 1,6 trẻ trên một phụ nữ, giảm đáng kể so với con số 3 vào năm 1950.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn ở Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh chỉ còn 0,81 con trên một phụ nữ. Mức giảm sinh nghiêm trọng toàn thế giới khiến các chuyên gia và nhà lập pháp lo ngại. Họ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu trong thời gian tới. Để ngăn chặn khủng hoảng, các nhà lãnh đạo thế giới thử mọi biện pháp, từ chương trình phúc lợi xã hội hào phóng đến chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Châu Âu cũng không ngoại lệ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số chung của châu lục này đã sụt giảm mạnh trong đại dịch và dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 40 triệu người từ nay đến năm 2050.
Trên thực tế, đảo ngược xu hướng trên đã trở thành một mục tiêu quốc gia của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố năm 2024 là “năm của gia đình”. Còn ở Mỹ, cả hai ứng viên tổng thống năm nay, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều cam kết sẽ thay đổi chính sách dành cho gia đình. Trong đó, bà Harris muốn hỗ trợ 6.000 USD cho các gia đình sinh thêm con, trong khi ông Trump đề xuất miễn phí thụ tinh nhân tạo cho các cặp đôi và giảm thuế cho các gia đình có con.
Theo tờ báo Wall Street Journal, châu Âu và nhiều nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học ở châu Á như Hàn Quốc và Singapore đều đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ với nhiều quyền lợi hào phóng dành cho các gia đình có con.
Để đối phó, nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách hỗ trợ hào phóng. Nga tặng 7.000 USD cho mỗi gia đình có hơn hai con. Hungary cho các cặp đôi mới cưới vay 30.000 USD và không cần hoàn trả nếu sinh ba con. Đài Loan (Trung Quốc) chi hơn 3 tỷ USD cho các chương trình khuyến sinh, hoàn trả 80% lương và giảm thuế cho gia đình có con. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nỗ lực, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm ở hầu hết các nước. Ngay cả ở Hungary và Na Uy - hai quốc gia dành nhiều nguồn lực nhất cho chính sách gia đình - tỷ lệ sinh vẫn chỉ đạt 1,5 và 1,4 trẻ trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Hungary và Na Uy hiện đều chi hơn 3% GDP cho các chính sách hỗ trợ gia đình, nhiều hơn chi tiêu dành cho quân đội – theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong đó, Hungary thậm chí chi hơn 5% GDP cho các chính sách này. Tại Hungary, chương trình tín dụng nhà ở đã giúp gần 250.000 gia đình mua hoặc nâng cấp nhà.
Các quốc gia cần thích nghi với tình trạng dân số già
Dù các quốc gia đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm vì nhiều lý do phức tạp. Các chuyên gia nhận định rằng việc tặng tiền mặt hoặc giảm thuế không đủ để thúc đẩy sinh con. Sự thất bại của các chương trình khuyến sinh đặt ra câu hỏi lớn cho các nhà hoạch định chính sách: "Tại sao việc thuyết phục mọi người sinh con lại khó đến vậy?"
Jessica Nisén, chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Turku, Phần Lan, cho rằng lo ngại về tương lai là một nguyên nhân chính. Người trẻ hiện đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng từ chiến tranh, biến đổi khí hậu đến các xung đột về giới và sắc tộc, khiến quyết định lập gia đình và sinh con trở nên rủi ro hơn.
Việc thiếu chính sách sinh sản thân thiện như nghỉ phép hưởng lương và trợ cấp chăm sóc trẻ em cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm. Điều đó khiến nhiều người có ít con hơn kế hoạch. Tình trạng này được thể hiện trong cuộc khảo sát năm 2018 ở Mỹ, 25% số người tham gia cho biết họ sẽ sinh ít con hơn dự tính trước đó. Nguyên nhân là chi phí chăm sóc trẻ, nhà ở, tiền học đại học tăng vọt. Đây cũng là vấn đề của toàn thế giới. Hàn Quốc và Trung Quốc đứng đầu danh sách những nơi đắt đỏ nhất để nuôi dạy một đứa trẻ.
Ngay cả ở các quốc gia có chế độ nghỉ thai sản rộng rãi như Thụy Điển và Na Uy, tỷ lệ sinh cũng đang giảm. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách phải tìm kiếm giải pháp thực tế hơn ngoài việc hỗ trợ tài chính.
Một số chuyên gia cho rằng các nước nên bỏ qua mục tiêu thúc đẩy người dân sinh đẻ. Thay vì cố gắng tăng tỷ lệ sinh, nhà lập pháp nên tập trung vào chính sách cho phép mọi người lập gia đình theo ý muốn của họ, đồng thời tạo điều kiện giúp họ có kinh tế tốt hơn. Tại Mỹ, nhiều chuyên gia đề nghị chính phủ cải thiện cơ hội việc làm, thêm ngày nghỉ phép có lương, giảm chi phí chăm sóc trẻ em, hỗ trợ các gia đình trong bước đầu làm cha mẹ.
Mặc dù cải cách chính sách gia đình có thể không tạo ra bước nhảy vọt về tỷ lệ sinh, nhưng đây được xem là hướng đi bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng các quốc gia cần thích nghi với tình trạng dân số già hóa, cả về mặt kinh tế và xã hội. Giáo sư Wang Feng từ UC Irvine nhận định, xu hướng thu hẹp quy mô gia đình không hẳn là tiêu cực. Tỷ lệ sinh thấp hơn trên toàn cầu có thể giúp giảm suy thoái môi trường, cạnh tranh tài nguyên và xung đột toàn cầu.