Đầu tư công ngành nông nghiệp: Vẫn gặp khó trong giải phóng mặt bằng

Đầu tư - Ngày đăng : 11:47, 18/10/2024

(BKTO) - Xác định các dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, giúp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tăng cường ứng phó với thiên tai, ngành nông nghiệp đã nỗ lực, bứt phá trở thành một trong những ngành có kết quả giải ngân vốn cao nhất cả nước. Song bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn phải đối diện với thách thức chung đến từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)…
img-4553_zgcu.jpg
Thi công tại dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh ST

Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) được giao 9.935,3 tỷ đồng (vốn trong nước 8.428,7 tỷ đồng, vốn ODA 1.506,6 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 9/2024, Bộ đã giải ngân 6.411,6 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch. Trong đó, dự án vốn trong nước đạt 71,2%; Dự án vốn vay ODA đạt 27%.

“Với kết quả này, nông nghiệp là một trong những ngành thuộc tốp đầu về kết quả giải ngân vốn đầu tư công” - ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết.

Thông tin cụ thể về kết quả này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) cho biết, các dự án do Bộ NNPTNT quản lý triển khai đáp ứng kế hoạch, tiến độ đề ra, chất lượng đảm bảo, một số dự án vượt tiến độ như: Cống âu Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) hoàn thành công trình chính kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vượt tiến độ 2-4 tháng...

Cùng với đó, các dự án chuyển tiếp kéo dài nhiều năm (Hồ Cánh Tạng, Hòa Bình; Hồ Bản Mồng, Nghệ An; Hồ Krông Pách Thượng, Đắk Lắk; Hồ Khe Lại - Vực Mấu, Nghệ An) đã dần được tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục triển khai theo kế hoạch được duyệt…

Bộ NNPTNT dự kiến, giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 sẽ đạt 100%. Để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, trong những tháng cuối năm 2024, Bộ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tạo động lực tăng trưởng ngành.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm nay, Bộ NNPTNT đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân. Một trong những biện pháp quan trọng là yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án chi tiết và cụ thể cho từng dự án. Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để phân bổ vốn một cách hợp lý và hiệu quả... 

“Nhờ vào việc theo dõi sát sao tiến độ từng dự án, Bộ NNPTNT đã có thể kịp thời điều chỉnh và xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình giải ngân diễn ra suôn sẻ” - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình thông tin.

Đặc biệt, một trong những giải pháp được Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo, đó là tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán.

Ngay khi có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư, chủ dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục thanh toán vốn đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho nhà thầu, không để dồn thanh toán vào cuối tháng, cuối quý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát chi.

Theo ông Nam, để đạt được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo quy định.

Đồng thời, Bộ sẽ điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án... 

Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong triển khai dự án đầu tư công, ngành nông nghiệp vẫn phải đối diện với thách thức trong GPMB, từ đó làm giảm tiến độ, hiệu quả triển khai dự án.

Thông tin cụ thể về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân tương đối cao so với các Bộ, ngành nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoài những khó khăn, đặc thù do triển khai dự án nông nghiệp khi phải căn cứ vào mùa vụ sản xuất để thi công, ngành vẫn gặp khó khăn đến từ công tác GPMB. 

Theo đó, trong công tác GPMB còn vướng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu đất thủy lợi, xác định nguồn gốc đất, thẩm định giá đất, giá bồi thường. Sự phối hợp chưa tốt giữa một số chủ đầu tư và các sở, ngành địa phương trong thẩm định, phê duyệt GPMB… 

Khó khăn trong GPMB cũng là thách thức chung trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của ngành nông nghiệp các địa phương.

thuy-loi-nhu-cau-but-thiet-nong-dan-2-.jpg
Đầu tư công ngành nông nghiệp vẫn gặp khó trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: N.Lộc

Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, dù số vốn dành cho đầu tư công của ngành nông nghiệp tỉnh không lớn, song quá trình triển khai cũng gặp khó khăn do vướng mắc về GPMB, dẫn đến dự án còn chậm trễ trong triển khai. Đây là vấn đề được tỉnh rất quan tâm, song có những vướng mắc thuộc về chính sách nên cần phải có thời gian để giải quyết.

Còn theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh được giao tổng vốn đầu tư hơn 880 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện những dự án kè trên địa bàn các địa phương. Tính đến ngày 01/10, giá trị khối lượng thực hiện hơn 391 tỷ đồng, giải ngân vốn hơn 386 tỷ đồng, đạt hơn 43% kế hoạch vốn được giao.

Hiện nay, tiến độ triển khai thi công các dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư của Sở NNPTNT gặp rất nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, trong khi thẩm quyền, trách nhiệm chính thuộc về địa phương, nơi có dự án. 

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở NNPTNT tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để tháo gỡ vướng mắc; giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực này thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, làm việc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm tiến độ dự án cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các dự án địa phương không hoặc chậm bàn giao mặt bằng, tùy theo nguồn vốn bố trí, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chuyển vốn, nghiệm thu và quyết toán thực tế; phần vướng mắc còn lại giao về các địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn vốn của mình tiếp tục thực hiện công trình theo đúng thiết kế.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực từ thiên tai đòi hỏi công tác đầu tư, hỗ trợ việc triển khai các dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp cần phải có sự quyết liệt hơn để sớm hoàn thành, đưa các dự án, đặc biệt là dự án thủy lợi vào hoạt động.

Đây chính là điều kiện quan trọng để ngành nông nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro, giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai đối với sản xuất, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm với yêu cầu về cung ứng sản phẩm cho thị trường rất lớn. 

N.LỘC