Tập huấn truyền thông về tác hại của thuốc lá phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực phía Nam
Xã hội - Ngày đăng : 19:17, 17/10/2024
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cho biết: "Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; đặc biệt, có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma tuy trái phép. Do đó, đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng".
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: "Tại Việt Nam, mỗi năm có 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trong đó, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá cho rằng, để kéo giảm tình trạng hút thuốc lá, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần có quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá vì hiện tại giá thuốc lá đang khá thấp và có xu hưởng giảm qua từng năm; đồng thời, cần sớm có giải pháp kiểm soát chặt việc lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng".
Cũng tại Hội thảo, ông Đào Thế Sơn - Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) thông tin: Thuốc lá điện tử đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần và làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; đồng thời, còn gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử bị hỏng, lỗi…; đặc biệt, nếu gộ độc cấp nicotine thì ngay lập tức có thể gây chóng mặt, liệt cơ, hôn mê, co giật và nhồi máu cơ tim, suy hô hấp… Vì vậy, ông Đào Thế Sơn kiến nghị cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam.
Theo các báo cáo, nghiên cứu tại hội nghị, những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường gồm: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần.