Bài 2: Đơn vị sự nghiệp công lập - con đường tự chủ còn nhiều bất cập
Xã hội - Ngày đăng : 17:50, 18/10/2024
Bức tranh tự chủ…
Là một trong những lĩnh vực tập trung số lượng lớn các ĐVSNCL nhất hiện nay, giáo dục cũng là lĩnh vực “nóng”, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Do đó, vấn đề tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đặc biệt quan tâm thực hiện kiểm toán thường xuyên để đưa ra cái nhìn toàn diện, đưa ra đánh giá và kiến nghị phù hợp về vấn đề này.
Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra thực trạng với nhiều gam màu xám trong “bức tranh” tự chủ của các cơ sở giáo dục, điển hình là các cơ sở giáo dục ĐH.
Đơn cử, qua kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối các trường ĐH công lập giai đoạn 2016-2018, KTNN đã chỉ ra: mức thu học phí cao chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, chương trình đào tạo chất lượng cao chưa có nhiều sự khác biệt so với chương trình đại trà; một số trường mở ngành mới chưa chú trọng đến công tác khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực, nhu cầu của người sử dụng lao động…
Tại một số trường ĐH được kiểm toán còn tình trạng thực hiện liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước khi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy chưa được đảm bảo. Một số trường hợp người học gặp khó khăn khi thực hiện công nhận bằng tốt nghiệp từ các chương trình liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài. Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội có nhiều tồn tại trong việc liên kết đào tạo với cơ sở đào tạo nước ngoài…
Kết quả kiểm toán năm 2022 của KTNN cũng chỉ ra tình trạng ĐVSNCL thực hiện không đúng quy định về cơ chế tự chủ. Theo đó, tại nhiều Bộ, ngành chưa sắp xếp lại các ĐVSNCL thực hiện cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên; quy chế chi tiêu nội bộ chưa đảm bảo quy định; việc thực hiện tự chủ còn hạn chế. Một số đơn vị xác định chưa đúng doanh thu, chi phí, chưa kê khai, nộp thuế đầy đủ; thu, chi học phí chưa phù hợp.
Điển hình như, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội chi học bổng khuyến khích học sinh, sinh viên bằng 80,6% số trích quỹ; Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chi cho nghiên cứu khoa học 18,8% tổng số thu học phí hệ chính quy trong năm, thấp hơn so với quy định tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014.
Đáng chú ý, Học viện Thanh thiếu niên thu một số khoản thu chưa có trong quy định số tiền 0,996 tỷ đồng; thu học phí đào tạo thạc sĩ cao hơn mức thu quy định 0,796 tỷ đồng; chi vượt giờ giảng số tiền 0,443 tỷ đồng, trong khi đó, việc chi học bổng cho sinh viên chưa đảm bảo tỷ lệ 8% theo quy định, quỹ học bổng còn trích thiếu 0,319 tỷ đồng. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định thu vượt học phí học lại so với mức quy định 0,312 tỷ đồng. Tại Học viện Khoa học xã hội, có tình trạng thu vượt học phí đào tạo tiến sĩ, chưa thực hiện miễn giảm học phí đầy đủ theo quy định…
Những bất cập này đã được KTNN chuyên ngành III lý giải là do áp lực tự cân đối thu, chi, trong khi việc huy động các nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và dịch vụ tại các đơn vị còn rất hạn chế, vô hình chung tạo ra áp lực đối với nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong việc gia tăng các khoản thu chưa có trong quy định để bù đắp các khoản chi.
“Hệ quả là tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí, thu chưa có trong quy định tại các đề án thí điểm tự chủ được phê duyệt còn phổ biến, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người học và xã hội” - GS,TS. Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, việc triển khai các dịch vụ công lĩnh vực y tế tại nhiều cơ sở y tế đã tự chủ cũng chưa đảm bảo theo quy định, tạo gánh nặng chi phí cho người bệnh. Kết quả kiểm toán mới đây của KTNN cho thấy, một số đơn vị còn xây dựng cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu có thêm yếu tố chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 2% để thu của người bệnh là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Liên kết chưa đúng quy định, mục đích
Đi đôi với việc giao quyền tự chủ, Nhà nước cũng cho phép các ĐVSNCL được phép cho thuê tài sản, liên doanh, liên kết trong việc khai thác tài sản công theo Luật Quản lý tài sản công, trên cơ sở thực hiện đúng quy định, quy trình để đảm bảo quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Các đơn vị trước khi tổ chức cho thuê, liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (gọi chung là đề án) và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều đơn vị đã “vượt rào” khi không thực hiện theo đúng quy định.
Kết quả kiểm toán tại một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy một số ĐVSNCL chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (Tại Bộ Xây dựng: Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh 38,43 tỷ đồng; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị 0,306 tỷ đồng; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia 4,8 tỷ đồng). Có đơn vị còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương không đúng quy định…
Đây cũng là những bất cập được KTNN nhiều lần chỉ ra và kiến nghị chấn chỉnh qua công tác kiểm toán. Trong đó, nổi cộm là tình trạng nhiều đơn vị cho thuê cơ sở nhà, đất nhưng không lập đề án; nhiều đơn vị cho thuê cơ sở vật chất khi đề án cho thuê chưa được phê duyệt hoặc cho thuê ngoài đề án được duyệt, điển hình như tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thậm chí, nhiều đơn vị còn sử dụng cơ sở nhà đất để hợp tác đầu tư không đảm bảo mục đích. Cá biệt như tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Vạn Xuân hoạt động cho thuê văn phòng tại tòa nhà 60A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội chưa đúng quy định; Công ty Cổ phần Phát triển Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam (Detesco) dùng tài sản trên đất tại cơ sở số 125 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình cùng với 02 đơn vị khác thành lập Công ty Cao ốc Thanh niên kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, Điều lệ và Giấy phép kinh doanh công ty Detesco Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh bất động sản…
Trường ĐH Nha Trang sử dụng đất tại số 2 Nguyễn Đình Chiểu, Nha Trang, Khánh Hòa để hợp tác đầu tư và đào tạo không bảo đảm mục đích, chủ trương xây dựng Cơ sở thực hành du lịch; cho thuê cơ sở vật chất khi đề án cho thuê chưa được phê duyệt hoặc cho thuê ngoài đề án cho thuê được duyệt… Đây cũng là thực trạng được dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng phản ánh, song đến nay chưa được chấn chỉnh triệt để.
Đáng chú ý, dù đã được KTNN và các cơ quan chức năng nhiều lần đề cập, nhưng những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị vẫn không được chấn chỉnh kịp thời, tồn tại dai dẳng. Đơn cử như qua kiểm toán năm 2023, tại Bộ Giao thông vận tải vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê khi chưa lập đề án cho thuê tài sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam; Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I).
Qua thanh kiểm tra, điều tra cho thấy còn một số ĐVSNCL thực hiện không đúng quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, theo đó xây dựng Đề án sử dụng tài sản công thiếu số liệu minh chứng, chưa lập luận được sự cần thiết và hiệu quả của Đề án nên khai thác không tối ưu công suất, năng suất, hiệu quả của tài sản; không thực hiện quy định công khai, minh bạch và có giám sát các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công tư... Vấn đề này qua giám sát, thanh tra, kiểm toán cũng đã, đang đặt ra đòi hỏi phải tăng cường đồng bộ các giải pháp cả về cơ chế chính sách và tăng cường quản lý, giám sát nhằm bảo đảm khai thác sử dụng tài sản công thật sự hiệu quả, tránh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát.
TS. Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
Còn tại Bộ Công Thương có tới 10 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản khi chưa có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng ĐVSNCL cho thuê cơ sở vật chất nhưng chưa được phê duyệt đề án cũng diễn ra không ít. Thậm chí, tại Bộ Khoa học và công nghệ còn tình trạng ĐVSNCL ký kết hợp đồng sử dụng cơ sở nhà, đất thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê trên cơ sở biên bản thỏa thuận từ trước, dù chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt “không đúng quy định tại Điều 44, 57 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Ngoài những vấn đề đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đơn vị được phép cho thuê, liên kết khai thác tài sản công, thì đơn vị cũng phải cho thuê đúng ngành nghề, lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Không thể có tình trạng trường học, bệnh viện hay nhà hát cho mở quán bia, rất phản cảm…
Làm thế nào để chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, cũng như việc lạm dụng, đẩy giá dịch vụ công đã xảy ra tại một số ĐVSNCL vừa qua, cũng như tìm ra giải pháp căn cơ để đưa hoạt động của ĐVSNCL đi đúng hướng… Đây là những vấn đề sẽ tiếp tục được Báo Kiểm toán đề cập trong kỳ tiếp theo.