Còn kiến nghị kéo dài nhiều kỳ họp chưa được giải quyết

Chính trị - Ngày đăng : 15:21, 21/10/2024

(BKTO) - Dù đã có nhiều cố gắng trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp, song vẫn còn những kiến nghị kéo dài nhiều kỳ họp chưa được giải quyết như “người lao động có thu nhập thấp”, định mức kinh tế kỹ thuật tính giá dịch vụ y tế, trợ cấp thanh niên xung phong…
211020241151-z5951835907786_eb3764faa536b00d48d1fd46df0c90e8.jpg
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Khẩn trương hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó, một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo… Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời (đạt 97,8%). Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 35/35 kiến nghị (đạt 100%); Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị (đạt 97,7%).

Trong đó, ông Dương Thanh Bình cho biết, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”.

Kết quả giám sát cho thấy, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, “người lao động có thu nhập thấp” là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Tuy nhiên, do không có cơ sở để xác định thế nào là “NLĐ có thu nhập thấp” nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.

“Như vậy, sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn hơn 01 năm” - ông Dương Thanh Bình nêu rõ.

Ủy ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế. Bởi theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: “Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) được tiếp tục thực hiện thanh toán chi phí KCB theo các quy định đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt cho đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024”.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ KCB, trong khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ KCB mới.

Do đó, Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ KCB để áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn

Bên cạnh đó, từ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Giám sát cho thấy, tại Quyết định số 40/2011của Thủ tướng Chính phủ quy định: Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hằng tháng mức 360.000 đồng.

211020241012-z5951638079781_727ac9e580a1ca0c29f4b0c0aa825538.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng 3 lần nhưng mức trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng thanh niên xung phong nêu trên chỉ được điều chỉnh tăng 1 lần. Nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp cho đối tượng này là do còn có sự chưa thống nhất về thẩm quyền tham mưu, xây dựng chính sách.

“Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trách nhiệm thuộc về Bộ Nội vụ, nhưng Bộ Nội vụ lại cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ cần phân công cơ quan chủ trì khẩn trương tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến” - ông Bình nêu rõ.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng báo cáo, từ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Theo ông Bình, Nghị định số 116 được ban hành hơn 8 năm trước, Thông tư liên tịch số 109 được ban hành cách đây hơn 15 năm. Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của đất nước không ngừng phát triển, đời sống của người dân đã được nâng lên nhưng chính sách hỗ trợ nêu trên chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đây cũng là ý kiến của cử tri kéo dài qua các nhiệm kỳ Quốc hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng cam kết về thời hạn giải quyết đã hứa với cử tri.

Các kiến nghị này cần được nghiên cứu, tiếp thu nhằm giải quyết dứt điểm, tránh để cử tri tiếp tục kiến nghị trong các kỳ họp tới. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ nêu trên - Trưởng ban Dân nguyện đề nghị./.

Đ. KHOA