Tăng cường hiệu quả quản lý tài chính và tái cơ cấu nền kinh tế

Đối nội - Ngày đăng : 08:00, 03/11/2016

(BKTO) - Trong bối cảnh nợ công tăng cao; cân đối NSNN khó khăn; đầu tư công còn thất thoát, lãng phí; tái cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra…, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện NSNN; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tập trung nhấn mạnh, làm rõ những giải pháp nhằm cải thiện tình hình NSNN; thực hiện tái cơ cấu có hiệu quả nhằm đạt mục tiêu, chất lượng tăng trưởng đề ra.



Tái cơ cấu nền kinh tế cần mạnh dạn thoái vốn tại các DNNN Ảnh: TS

Tăng thu, kiểm soát chặtchi tiêu

Trước thực trạng mất cân đối thu - chi NSNN, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với quan điểm của Chính phủ về mục tiêu cơ cấu lại NSNN, trong đó cơ cấu lại nguồn thu lẫn các khoản chi NSNN. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) coi đây là nhiệm vụ cấp bách làm lành mạnh hóa hệ thống NSNN và nỗ lực tối đa để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thu - chi NSNN; hạn chế việc phải cân đối NSNN từ các nguồn khác. Đặc biệt, trong điều kiện bội chi NSNN lớn, dẫn đến phải đi vay để chi tiêu và trả nợ, đại biểu Tiến cho rằng, tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ gia tăng áp lực lên nợ công, làm méo mó NSNN. Do vậy, đại biểu đề nghị giải pháp của Chính phủ cần nhấn mạnh và làm rõ việc hạn chế đi vay ngân sách chi tiêu, đồng thời cần có những giải pháp cụ thể tăng cường truy thu thuế và các nguồn thu cho ngân sách nhằm cải thiện tình trạng mất cân đối.

Đồng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu thực tế, theo kết luận của KTNN năm 2014, mức độ vi phạm Luật thuế vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng cao. Hầu hết ở các địa phương và các loại hình DN đã phát hiện việc vi phạm thuế và các khoản khác lên hơn 4.000 tỷ đồng. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần soát xét các loại thuế miễn giảm vừa qua, tránh tình trạng giảm miễn thuế mất nguồn thu ngân sách nhưng thực tế không tác động tích cực đến chuyển biến sản xuất, kinh doanh của DN.

Cũng dẫn số liệu từ kết quả kiểm toán, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết, vừa qua, KTNN đã tập trung kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các DNNN, các ngành, nghề, lĩnh vực sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.700 tỷ đồng. Theo đại biểu, bức tranh quản lý NSNN, sử dụng vốn và đầu tư công còn rất nhiều bất cập, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công và NSNN chưa cao, tỷ lệ nợ xấu khó thu hồi ngày càng gia tăng. Do vậy, Chính phủ cần báo cáo cụ thể chi tiết rõ ràng về nợ công, nợ xấu để có hướng xử lý.

Phân tích, dự báo về dư địa, nguồn thu NSNN trong giai đoạn tới theo phương án của Chính phủ là khá khó khăn, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn tới, việc giảm chi ngân sách vẫn cần được ưu tiên và thực hiện triệt để đối với các khoản chi thường xuyên, nhất là chi quản lý hành chính ở cả Trung ương và địa phương cần được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Giải phóng nguồn lực xã hội để tái cơ cấu kinh tế

Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các đại biểu cho rằng, qua hơn 5 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế đã có những đóng góp tích cực song vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra, còn nhiều yếu kém, hạn chế.

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chưa tạo được nhận thức đầy đủ từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù nhiều Bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai chậm, đặc biệt là ở địa phương. “Qua đi giám sát, chúng tôi có cảm nhận 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về tới địa phương. Tình trạng coi việc tái cơ cấu là việc của Trung ương khá phổ biến” - đại biểu Hùng nói.

Cũng theo đại biểu Hùng, nguồn lực nhà nước thì có hạn trong khi nguồn lực của xã hội cực kỳ lớn, nếu tham gia vào quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Do vậy, trong tái cơ cấu, Nhà nước phải là nhà kiến tạo đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, Nhà nước đưa ra các chính sách có tính chất đòn bẩy, thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhà nước định hướng, dẫn đường, dẫn dắt quá trình tái cơ cấu, còn DN phải đóng vai trò quyết định đóng góp nguồn lực chủ yếu cho tái cơ cấu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) phân tích, trong bối cảnh cả DN tư nhân và DNNN chạy theo đầu cơ ngắn hạn như trong giai đoạn vừa qua sẽ không có chuyển dịch cơ cấu thực chất. Do vậy, đại biểu cho rằng, chúng ta cần lựa chọn kịch bản tái cơ cấu cơ bản và tập trung quyết liệt tại một số khâu để giúp giải phóng nguồn lực trong dân. Theo đó, cần mạnh dạn thoái vốn tại các DNNN, vì thoái vốn sẽ giúp thay thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân khi hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công; tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…, đồng thời đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập và tính đến giao tự chủ và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... Đây chính là những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả.
N. HỒNG