Qua kiểm toán, tiếp tục phát hiện nợ xây dựng cơ bản trong năm 2023
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 07:52, 23/10/2024
Theo Báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về kết quả công tác năm 2024, tính đến hết tháng 9/2024, KTNN đã thực hiện giám sát 126 đoàn kiểm toán, chiếm 75,9% số đoàn kiểm toán trong năm 2024; đã kết thúc 84 đoàn, lãnh đạo KTNN đã xét duyệt 100 Dự thảo Báo cáo kiểm toán, phát hành 85 báo cáo kiểm toán.
“Nhìn chung, kế hoạch kiểm toán được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra” - Báo cáo nêu rõ.
Chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế
Theo đó, kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác thu, chi, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Cụ thể, về thu NSNN, kết quả kiểm toán cho thấy, 10 địa phương chưa hoàn thành một số chỉ tiêu thu nợ thuế do cơ quan thuế cấp trên giao; chưa kịp thời áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định; phân loại tiền thuế đang chờ điều chỉnh chưa đúng quy định; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất...
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra tình trạng một số khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp ngân sách năm 2023 chưa đủ điều kiện quyết toán thu NSNN theo quy định nhưng cơ quan thuế chưa thực hiện rà soát để xử lý.
KTNN cũng phát hiện, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp còn có những hạn chế; thu tiền sử dụng khu vực biển chưa được tính toán thống nhất với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc hoàn thuế giá trị gia tăng sau thời điểm dự án đã đi vào hoạt động, phát sinh doanh thu chưa đúng quy định.
Về chi ngân sách, KTNN cũng chỉ ra một loạt địa phương chưa bố trí đủ mức tối thiểu 10% tổng số thực hiện thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, có tỉnh khi giao tự chủ cho một số đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa cân đối đủ nguồn thu dịch vụ đề làm giảm trợ cấp từ ngân sách; giao dự toán kinh phí tự chủ cho một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhưng sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương do các đơn vị đang quản lý để chỉ tiền lương theo dự toán.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị không đúng nhiệm vụ phân cấp của Luật NSNN; xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đầy đủ; sử dụng nguồn cải cách tiền lương để bù hụt thu, chi cho đầu tư XDCB không tuân thủ quy định; chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về sử dụng dự phòng ngân sách; chuyển nguồn không đúng quy định.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo
Đối với công tác chi đầu tư XDCB, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra không ít hạn chế. Theo đó, một số địa phương không bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023 và một số dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán theo quy định; chưa ưu tiên và chưa bố trí đủ số vốn để thu hồi vốn ứng trước; ứng trước dự toán năm sau khi chưa thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước dự toán từ các năm trước; bố trí vốn quá thời gian quy định.
Thậm chí, có tình trạng bố trí vốn cho một số dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phân bổ nguồn tăng thu sử dụng đất và tăng thu xổ số kiến thiết cho các dự án đầu tư nhưng không bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Kết quả kiểm toán cũng nêu rõ, tại một số tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chưa đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, như: Bình Phước đạt 72%; Kon Tum 72%, Phú Yên 64%, Thừa Thiên - Huế 81%; Bạc Liêu 90%; Điện Biên 86%. Đồng thời, còn tình trạng kéo dài thời gian giải ngân thanh toán vốn đầu tư công chưa phù hợp theo quy định; chưa nộp trả ngân sách cấp trên các khoản bổ sung có mục tiêu từ nguồn vốn sổ số kiến thiết hết thời hạn và nhiệm vụ chi.
Kết quả kiểm toán chỉ ra, một số khoản tạm ứng chi đầu tư XDCB đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi; một số dự án đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành quá thời hạn 06 tháng nhưng chủ đầu tư chưa giải quyết công nợ, tất toán tài khoản.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cho thấy vẫn còn tồn tại trong công tác lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu; nghiệm thu, thanh toán.
Đáng chú ý, KTNN chỉ ra, một số địa phương còn để phát sinh nợ đọng XDCB trong năm 2023; chưa ưu tiên bố trí vốn để xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB.
Trước đó, tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, KTNN cũng đã chỉ ra, số nợ đọng XDCB đến 31/12/2022 còn lớn, trong đó còn nợ đọng XDCB trước ngày 01/01/2015 số tiền 2.163,74 tỷ đồng. Riêng năm 2022, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn để phát sinh nợ đọng XDCB với số tiền hơn 4 nghìn tỷ đồng; còn trường hợp không theo dõi nợ đọng XDCB.
Bày tỏ quan ngại về tình trạng này, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị, cần đánh giá thực trạng một cách toàn diện, đầy đủ nhất về “bức tranh” nợ XDCB. Nếu không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công.
Qua giám sát cùng Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu cho rằng, không phải khoản nợ nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có khoản thuộc trách nhiệm của Trung ương. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nội dung này với Quốc hội, tránh tái diễn tình trạng này.
Tại Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng XDCB vốn NSNN; báo cáo Quốc hội việc xử lý số nợ đọng XDCB vốn NSNN tại thời điểm ngày 31/12/2022, số nợ phát sinh và dồn tích tại thời điểm ngày 31/12/2023 và ngày 31/12/2024. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán NSNN năm 2023.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 12.823 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 395 tỷ đồng; giảm chi NSNN 4.171 tỷ đồng; kiến nghị khác 8.257 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 92 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.