"Điểm danh” hàng loạt vướng mắc về môi trường

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 10:24, 23/10/2024

(BKTO) - Theo Báo cáo công tác năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), KTNN đã “điểm danh” hàng loạt vướng mắc liên quan đến môi trường thông qua kết quả kiểm toán một số chuyên đề.
1(1).jpeg
Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã “điểm danh” hàng loạt vướng mắc về môi trường. Ảnh tư liệu

Tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2023 chưa cao

Theo KTNN, kết quả kiểm toán 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho thấy, kế hoạch thực hiện Chương trình cả giai đoạn và hằng năm chưa xác định cụ thể cơ cấu vốn lồng ghép và nguồn vốn huy động. Việc bố trí vốn ngân sách địa phương đối ứng chưa đảm bảo tỷ lệ. Một số nơi chưa bố trí đủ 50% thu tiền sử dụng đất hằng năm cho Chương trình.

Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang chưa ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP phù hợp với nội dung, định mức hỗ trợ của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương. Một số huyện của tỉnh Lai Châu phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa đúng nhu cầu kế hoạch vốn, phân bổ vốn đầu tư ngân sách Trung ương cho dự án không thuộc đối tượng đầu tư.

Có địa phương chưa quy định về mức hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện; chưa bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình; một số kinh phí nguồn ngân sách Trung ương còn tồn, hết nhiệm vụ chi hoặc không có nhiệm vụ chi tại ngân sách cấp huyện, xã chưa nộp trả ngân sách cấp trên số tiền 63,722 tỷ đồng.

Tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình trong giai đoạn 2022-2023 còn chưa cao (tỉnh Lai Châu): Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương đạt 83%, vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương đạt 68%; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ giải ngân đạt 65%.

Cho thuê đất nông nghiệp công ích chưa phù hợp thẩm quyền

Đối với Chuyên đề “Việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023”, KTNN chỉ rõ: Tại xã Võng Xuyên và Thanh Đa, thuộc huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội, còn trường hợp đã hết hạn hợp đồng thuê đất nhưng chưa thực hiện thu hồi đất, chưa thực hiện đấu giá, cho thuê đất; đã hết hạn hợp đồng thuê đất nhưng người thuê không bàn giao lại mặt bằng.

Còn tại Thanh Hóa, hợp đồng thuê đất chưa thực hiện trên cơ sở đấu giá theo quy định; chưa thực hiện rà soát nguồn gốc, diện tích đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công ích đầy đủ, kịp thời.

2(2).jpeg
Theo KTNN, việc tham mưu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 với tiến độ thực hiện ban đầu trong 02 năm 2022-2023 còn chưa khả thi. Ảnh tư liệu

Một số bộ, ngành, địa phương giao vốn thấp hơn số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao

Về Chuyên đề “Việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” (Nghị quyết số 43/2022/QH15), KTNN cho hay, việc tham mưu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 với tiến độ thực hiện ban đầu trong 02 năm 2022-2023 còn chưa khả thi trong quá trình thực hiện dẫn đến phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc Chương trình đến hết 31/12/2024.

Tính đến 31/3/2024, lũy kế số vốn giải ngân của các nhiệm vụ, dự án mới đạt 66,4%/tổng hạn mức vốn được giao (giải ngân 86.707/130.490 tỷ đồng).

Đến 31/01/2024, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương không thực hiện việc điều chỉnh vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 93/2023/QH15 có tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 chưa đạt yêu cầu giải ngân 100% theo khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thậm chí, một số Bộ, ngành, địa phương đã giao vốn thấp hơn so với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; 44 dự án tại các địa phương có thời gian khởi công hoàn thành trước năm 2024 nhưng chưa bố trí đủ vốn đối ứng với số vốn còn thiếu là 546,2 tỷ đồng. Bộ Tài chính chậm phê duyệt dự án đầu tư đối với 10 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với dự kiến tổng mức đầu tư 2.063 tỷ đồng.

3.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Kết quả kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” cho thấy: Tỉnh Quảng Ninh chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chưa sử dụng toàn bộ nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để hỗ trợ nhiệm vụ bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Bên cạnh đó, việc cấp phát kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền trả kinh phí cho nhà thầu thực hiện hợp đồng dịch vụ bảo vệ môi trường không đúng quy định; bố trí kinh phí quét đường, công tác duy trì dải phân cách, công tác tưới nước rửa đường trên đoạn đường Quốc lộ 18 thuộc dự án BOT chưa phù hợp quy định

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, KTNN chỉ rõ: Các báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đánh giá kết quả thực hiện từng nội dung, chỉ tiêu đề ra theo các kế hoạch, chương trình đã được ban hành; còn thực hiện giao nhiệm vụ mà chưa thực hiện đặt hàng, đấu thầu hoặc thực hiện đặt hàng nhưng chưa đảm bảo điều kiện đặt hàng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng NSNN còn thực hiện giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng mà chưa tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Chưa kể, một số bộ chưa hoàn thành, chưa kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản, quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của bộ; chưa xây dựng văn bản quy định về chức danh, tiêu chuẩn đối với chuyên gia tư vấn trong nước thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường làm cơ sở để lựa chọn chuyên gia, xác định mức lương của chuyên gia tư vấn theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 31/2023/TT-BTC.

Giai đoạn 2021-2023, có 11/37 nhiệm vụ môi trường mở mới nhưng chưa được phê duyệt và bố trí dự toán, ảnh hưởng một phần đến công tác xây dựng, ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do cần có kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ môi trường làm cơ sở khoa học để xây dựng quy định, hướng dẫn.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán còn cho thấy, công tác hoàn thiện khung pháp lý quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa ban hành hoặc đã ban hành nhưng nội dung chưa thể hiện đầy đủ tầm nhìn đến năm 2030 và chưa phù hợp với thực tiễn, quy định hiện hành.

Kết quả kiểm toán công tác quản lý một số dự án đầu tư sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 còn một số tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế thi công và dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu; công tác ký kết và thực hiện hợp đồng; công tác quản lý khối lượng, đơn giá, chất lượng công trình, quyết toán dự án hoàn thành./.

HỒNG NHUNG