Đổi mới sáng tạo mang lại đột phá cho sản xuất nông nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 23/10/2024

(BKTO) - Đây là thông tin các đại biểu tập trung trao đổi tại Hội thảo "Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam" do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia tổ chức ngày 22/10, tại Hà Nội.
z5957252711860_01c806d7364209afd48401b46cc1b195.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: P.Hiến

TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong thời gian qua, hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế trong nước. 

Với sự tham gia ngày càng lớn của yếu tố khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo đã đóng góp trên 35% thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua.

"Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước" - TS. Trần Công Thắng cho biết. 

Đồng thời, với sự thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,8%/năm, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; năm 2019 đạt 44,7 triệu đồng/lao động, cao gấp 1,69 lần so với năm 2013. 

Năm 2023, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2022. 

Song bên cạnh những con số tích cực trên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, rào cản như trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. 

Hơn nữa, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… 

Vì vậy, cần phải rà soát lại để đánh giá về hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp hiện nay cũng như tìm kiếm những động lực mới phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Việt Nam.

Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thể chế và chính sách cho những đơn vị nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp dựa trên những bối cảnh và thách thức mới của nền kinh tế thế giới...

z5957251970773_daa4d7d52713e1d764bbbee3c2df83ce.jpg
Đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Phố Hiến

Tại Hội thảo, TS. Kim Wimbush (Đại sứ quán Australia) nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt.

Theo đó, với nền nông nghiệp hiện nay, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo là vấn đề cấp thiết để không chỉ tăng cường năng suất mà còn cải thiện khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường khác. 

PGS,TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất cần xây dựng một tổ chức trung gian linh hoạt để kết nối các bên tham gia trong hệ thống đổi mới sáng tạo.

PGS,TS. Đào Thế Anh cũng nhấn mạnh vai trò của khuyến nông cộng đồng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời đề xuất xây dựng một đề án đổi mới sáng tạo riêng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp không chỉ là yêu cầu của hiện tại mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Để tận dụng tốt cơ hội hội nhập, đổi mới sáng tạo, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ có như vậy, nông dân mới thực sự được hưởng lợi từ những tiến bộ mới, cải thiện đời sống và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

N.LỘC