Tạo sự thống nhất, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội

Pháp luật - Ngày đăng : 13:14, 23/10/2024

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.
22.10-du-lieu-toan-canh.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: ST

Tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu

Báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước để có thể triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu, tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.

Theo Đại tướng Lương Tam Quang, hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số… Qua phân tích, thống kê tại các văn bản luật nêu trên, các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an, hiện, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 07 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

22.10-ltq.jpg
Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: ST

Qua rà soát cho thấy, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định: Đến Quý IV năm 2025, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương.

"Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin" - Đại tướng Lương Tam Quang khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm 04 mục đích, cụ thể: Tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đáng chú ý, Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Dự án Luật Dữ liệu gồm 07 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Dự án Luật Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBQPAN cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.

22.10-luat-du-lieu-ltt.jpg
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: ST

Qua thẩm tra, UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để không trùng dẫm với các luật có liên quan nhằm phục vụ phát triển kinh tế số đồng thời nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.

UBQPAN cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp; quy định biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định này.

Cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch....

Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, hiện nay đã có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần làm rõ sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý như thế nào để không chồng chéo với quy định của Luật này; đồng thời, đề nghị đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đối với Trung tâm dữ liệu quốc gia, UBQPAN đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.../.

M. THÚY