Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Pháp luật - Ngày đăng : 13:48, 23/10/2024

(BKTO) - Chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
22.10-nkd.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều).

Liên quan đến các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật, về khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2, UBTVQH cho rằng, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người (PCMBN), bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên. "Với khái niệm mua bán người được quy định rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự sẽ làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về PCMBN" - bà Lê Thị Nga cho biết.

Đối với khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại khoản 6 và khoản 7 Điều 2, một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cân nhắc, quy định nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người mà không chỉ là đối tượng bị xâm hại bởi hành vi mua bán người để phù hợp với Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

UBTVQH nhận thấy, nếu quy định theo hướng nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người thì sẽ rất khó chứng minh trên thực tế, không bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị cho giữ như trong dự thảo Luật.

22.10-le-thi-nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về PCMBN tại Điều 5, bà Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.

Liên quan đến nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về PCMBN trong Chương VI, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thu gọn quy định về trách nhiệm một số Bộ trong dự thảo Luật theo hướng khái quát hơn, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và thẩm quyền của Chính phủ trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cho các Bộ. Chỉ nên quy định trách nhiệm của một số Bộ, ngành thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh PCMBN.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Uỷ ban Tư pháp đề nghị bỏ Điều 56 (trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Điều 58 (trách nhiệm của Bộ Tài chính), Điều 59 (trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân).

Đối với trách nhiệm các Bộ, ngành khác được quy định trong dự thảo Luật, UBTVQH cho rằng trên cơ sở phân công nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ này đều có các chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong PCMBN nên đề nghị vẫn giữ quy định về trách nhiệm của các Bộ này trong dự thảo Luật.

Xây dựng dự thảo Luật trên tinh thần đổi mới tư duy lập pháp

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao công tác nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH và dự thảo Luật đã được chỉnh lý.

Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm và đề xuất tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, rà soát một số điều, khoản quy định cụ thể, cả về kết cấu từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm để xây dựng một dự thảo luận gọn hơn, khoa học, chặt chẽ, khả thi hơn, đúng thẩm quyền của Quốc hội trên tinh thần đổi mới tư duy lập pháp.

22.10-thach-phuoc-binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đánh giá cao những hình thức hỗ trợ cho nạn nhân được quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần xem xét mở rộng hơn các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. "Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn, bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình" - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xây dựng thời gian hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân một cách linh hoạt, kéo dài dựa trên tình trạng thực tế, cụ thể của từng nạn nhân, thay vì đang quy định không quá 3 tháng như trong dự thảo. Bởi việc hỗ trợ tâm lý là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán.

Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng về việc hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho nạn nhân. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm các chương trình đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu hơn, để đảm bảo nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống. Đồng thời cần có quy định chi tiết hơn về mức trợ cấp và các điều kiện cụ thể để đảm bảo rằng việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch và đến đúng đối tượng.

22.10-dai-bieu-du-hop.jpg
Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến việc tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tại khoản 3 Điều 31, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị thay cụm từ “Cơ quan chuyên môn về Ngoại vụ cấp tỉnh” bằng cụm từ “Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh” để dễ dàng xác định được đúng địa chỉ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, hơn nữa phù hợp với quy định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm nội dung tuyên truyền về các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự đối với tội phạm mua bán người tại Điều 7 - Thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCMBN, để tăng cường tính răn đe với các đối tượng sẽ, đã hoặc đang có hành vi mua bán người, đồng thời, nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về những biện pháp, hình phạt mà người có hành vi phải chịu nếu thực hiện hành vi mua bán người.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung công tác thanh tra, kiểm tra trong việc quản lý chật chẽ mạng Internet, mạng viễn thông, mạng máy tính để PCMBN.

Liên quan đến nội dung phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị tại khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện vi phạm để xử lý có hiệu quả, đặc biệt là trong những trường hợp hành vi vi phạm có tính chất phức tạp hoặc liên quan đến nhiều địa phương hoặc nhiều cơ quan nhằm xử lý một cách đồng bộ.

22.10-ltq-mua-ban-nguoi.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên họp, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH nhằm chỉnh lý và hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đề cao việc bảo vệ quyền con người nhằm xây dựng một xã hội an ninh, an toàn, trật tự và kỷ cương./.

M. THÚY