Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - cần những điều chỉnh phù hợp
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 16:43, 23/10/2024
Những thách thức và khoảng lặng
Bối cảnh kinh tế hiện nay cho thấy, thông tin tài chính ngày càng minh bạch, rõ ràng, chính xác hơn, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế, quá trình hội nhập tạo cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Không chỉ các tập đoàn nhà nước mà có nhiều tập đoàn ngoài quốc doanh đã thực hiện được điều này, vì vậy, các vấn đề liên quan đến hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế rất quan trọng.
Tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, áp dụng bắt buộc từ năm 2024 để thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Ngoài ra, theo lộ trình, các doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp khác cũng phải áp dụng IFRS. Đây là một thách thức với Chính phủ, Bộ Tài chính và với chính các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan.
Nhìn vào thực tế của các nước chúng ta thấy rằng, họ đang áp dụng IFRS trực tiếp do có nhiều điều kiện thuận lợi như: các thông lệ trong nước đã sát thông quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ chính... Rất ít quốc gia ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính riêng, ngược lại nhiều nước không ban hành chuẩn mực riêng mà tuyên bố áp dụng ngay IFRS, trong đó có Lào và Campuchia rất gần chúng ta.
Quay trở lại với trong nước, 26 chuẩn mực kế toán của Việt Nam đã ban hành cách đây khá lâu, Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp đã cố gắng truyền tải một số thông điệp của IFRS nhưng cũng chưa đủ tầm. Gần đây, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để cập nhật, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 200/2014/TT-BTC nhằm chuyển tải những góc cạnh của IFRS đưa vào thực tiễn Việt Nam. Đó là câu chuyện cũng rất phức tạp.
Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam theo 03 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ 2020-2021; Giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ 2022-2025; Giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025. Vào thời điểm nghiên cứu và đưa ra Đề án, chúng ta rất nỗ lực và quyết liệt đi theo hướng này; các nội dung liên quan đến phạm vi, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tài chính riêng, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp niêm yết lớn, các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI... được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá từ 2020-2024 cho thấy, đại dịch Covid-19 mang đến một khoảng lặng rất lớn và nền kinh tế có nhiều nốt trầm, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều chuyển sang trạng thái thận trọng hơn. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cũng phải có những nghiên cứu, đánh giá, giữ nguyên quyết tâm, mục tiêu, nhưng lộ trình và phạm vi áp dụng IFRS sẽ phải có điều chỉnh phù hợp.
Điều chỉnh phạm vi, đối tượng, lộ trình phù hợp
Luật Kế toán (sửa đổi) đã trình Ủy ban Thường phục vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có 2 khía cạnh doanh nghiệp quan tâm.
Thứ nhất, về việc áp dụng IFRS và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Điều 7), Bộ Tài chính hướng dẫn phạm vi, đối tượng, lộ trình, thể thức áp dụng IFRS về kế toán và hình thành một khung báo cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam… Nếu Luật được thông qua, các quy định mới sẽ là nền tảng, chỗ dựa để thực hiện việc áp dụng IFRS quyết liệt, chắc chắn hơn.
Chúng ta có thể hình dung việc áp dụng IFRS như một tam giác, trong đó đỉnh tam giác là một số doanh nghiệp có đủ điều kiện, khả năng, tự nguyện áp dụng IFRS - các tập đoàn niêm yết, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI (thuộc nhóm thuế tối thiểu toàn cầu). Bên dưới đỉnh tam giác là một khung chắc chắn gồm doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp được nhắc đến trong Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Tiếp đến là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Bộ Tài chính đã cố gắng tiếp cận từng nhóm đối tượng doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp làm tốt nhất công việc của mình, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa thực hiện tốt quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo.
Thứ hai, chuẩn hóa khung dữ liệu để có những đánh giá, dự đoán, thông tin và số liệu chính xác khi áp dụng chuẩn mực quốc tế. Bản thân doanh nghiệp trước tiên phải thấy được lợi ích và sự cần thiết, từ đó quyết tâm, xác định mục tiêu, chiến lược lâu dài khi áp dựng IFRS. Song song với đó là câu chuyện về bộ máy kế toán, mối quan hệ giữa các phòng, ban nghiệp vụ, bắt đầu từ những tuyến đầu về truy cập thông tin vào hệ thống của các doanh nghiệp. Nội bộ doanh nghiệp phải có sự phối hợp, thay đổi và ứng dụng hệ thống kế toán toàn diện, đó cũng chính là chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa để việc áp dụng IFRS thành công là đào tạo nhân lực. Việc đào tạo nhân lực không phải “một sớm một chiều”, có những nội dung Bộ Tài chính tổ chức đào tạo, có những hoạt động doanh nghiệp tự đào tạo với sự hỗ trợ, phối hợp của các Hiệp hội, doanh nghiệp kiểm toán, công ty tư vấn.
Việc triển khai các chương trình đào tạo về IFRS là một hoạt động cần thiết, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với một kế hoạch dài hơi. Chúng ta xác định rằng, đây là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, có tính chất sẵn sàng. Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo với cấp thẩm quyền, chuẩn bị các điều kiện cụ thể với từng nhóm đối tượng phù hợp, có thể làm từng bước hướng tới áp dụng thành công IFRS.