Kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán

Kiểm toán - Ngày đăng : 11:12, 24/10/2024

(BKTO) - Sáng 24/10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức họp thẩm định Chương trình Bồi dưỡng Kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán.
1.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, cùng tham dự cuộc họp có các thành viên Ban thẩm định và Ban biên soạn Chương trình bồi dưỡng.

Theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa Cơ sở, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Chương trình Bồi dưỡng Kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán hướng tới đối tượng là toàn thể công chức, viên chức, người lao động của KTNN nhằm giúp người học nắm được kiến thức và kỹ năng kiểm soát cảm xúc, thực hành và áp dụng tốt vào thực tiễn hoạt động kiểm toán.

a3.jpg
TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, việc đào tạo kỹ năng kiểm soát cảm xúc là rất cần thiết và cần tập trung vào phần thực hành. Ảnh: Nguyễn Ly

Chương trình bồi dưỡng được thiết kế thành 2 chương, 16 tiết giảng dạy với 2 nhóm nội dung:

Chương 1 - Nhận thức chung về kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giới thiệu các khái niệm công cụ cũng như đặc điểm, vai trò của cảm xúc, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giúp người học nhận diện được các cảm xúc với tư cách là một hiện tượng tâm lý phổ biến của con người.

Chương 2 - Thực hành một số kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên với mục tiêu giúp người học nhận biết và ghi nhớ được các kĩ năng thành phần của kỹ năng kiểm soát cảm xúc (kỹ năng thấu cảm, kỹ năng cảnh báo...), đồng thời biết cách vận dụng các kỹ năng này trong giải quyết những cảm xúc tiêu cực ở kiểm toán viên.

2.jpg
TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa Cơ sở, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thông tin về Chương trình đào tạo. Ảnh: Nguyễn Ly

Đây là chương trình mới nhưng rất cần thiết đối với viên kiểm toán viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc giải quyết công việc cũng như các mối quan hệ trong cơ quan và khi làm việc với các đơn vị được kiểm toán, cá nhân, tổ chức liên quan. Chương trình được xây dựng dựa trên sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, giảng viên Học viện Cảnh sát và khảo sát thực tế kỹ năng kiểm soát cảm xúc của kiểm toán viên KTNN - TS. Nguyễn Hữu Hiểu thông tin.

Đánh giá cao ý nghĩa, tính thực tiễn và sự cần thiết của Chương trình đào tạo, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, Chương trình xây dựng đảm bảo hàm lượng khoa học, có tính đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung trong từng phần.

4.jpg
Thượng tá, TS. Nguyễn Như Chính - Giảng viên chính, Tổ trưởng Tổ Tâm lý học, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Học viện Cảnh sát nhân dân góp ý với Ban soạn thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Hội đồng thẩm định đề nghị Ban biên soạn tài liệu bổ sung các mục: định nghĩa, vai trò, phân loại, các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán. Chương trình đào tạo giảm phần lý thuyết, tập trung vào kỹ năng kiểm soát cảm xúc cơ bản, trong đó có cả các kỹ năng bộc lộ bản thân, kĩ năng chuyển hướng chú ý, kỹ năng thay đổi hành vi, kỹ năng rèn luyện tư duy tích cực… từ đó định hướng cho các kiểm toán viên vận dụng để kiểm soát tốt hơn cảm xúc của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Chương trình đào tạo cần bổ sung thêm các mục về rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc trong công việc, đây là một mục quan trọng để định hướng học viên có thể quản lý cảm xúc (bằng cơ thể, trí tuệ, ngôn ngữ, rèn luyện sự tự tin, không để cảm xúc tiêu cực điều khiển…) trong giải quyết công việc.

TS. Vũ Thanh Hải nhấn mạnh, việc đào tạo kỹ năng kiểm soát cảm xúc là rất cần thiết và cần tập trung vào phần thực hành dựa trên các tình huống cụ thể, phổ biến, gắn với công việc, đối tượng phù hợp (người mới vào ngành, người giàu kinh nghiệm, người làm công tác quản lý…). Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định các tình huống cán bộ, công chức, người lao động của KTNN thường xuyên gặp, hiểu rõ những áp lực mà kiểm toán viên đang gặp phải, chẳng hạn như: áp lực về thời gian kiểm toán, phải báo cáo công việc hằng ngày qua nhật ký kiểm toán, đơn vị được kiểm toán chậm cung cấp tài liệu khiến công việc gặp khó khăn…

Ngoài ra, theo từng cấp, từ lãnh đạo, trưởng đoàn, tổ trưởng, kiểm toán viên sẽ có các công việc khác nhau và gặp áp lực công việc khác nhau, đối tượng tiếp xúc cũng có sự khác nhau, do đó, việc quản lý, kiểm soát cảm xúc cũng có sự khác nhau và cần được rèn luyện, trau dồi, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các giảng viên thông qua thực hành.

Hội đồng thẩm định đánh giá Chương trình đào tạo đạt yêu cầu, hoàn thiện trước khi trình lãnh đạo KTNN phê duyệt, ban hành.

THÙY LÊ