Cần phân cấp, phân quyền triệt để trong đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 10:54, 16/10/2024

(BKTO) - Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Triển khai Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện 3 đột phá chiến lược: đột phá thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xóa bỏ cơ chế "xin - cho"... TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề phân cấp, phân quyền trong đầu tư công.
nguyen-duc-kien.jpg
TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh tư liệu

Thưa ông, ông nhận thấy, tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này như thế nào?

Trước hết phải nói rằng, muốn đất nước phát triển nhanh thì phải tập quyền để dùng nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước tập trung vào những dự án, công trình có tính chất liên vùng, có tính chất mũi nhọn, có tính lan tỏa cao - Trung ương phải thực hiện các dự án này. Còn những dự án liên quan đến an sinh xã hội thì phải phân quyền thực sự để địa phương thực hiện. Thế nhưng, chúng ta chưa phân định rõ việc phân quyền và tập quyền. Với dự án đường cao tốc phải tập quyền bởi vì tuyến đường đó qua nhiều tỉnh, thành, thực hiện thu hồi nhiều đất, có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi tập quán sinh hoạt, làm việc của người dân có tuyến đường cao tốc đó đi qua. Nhưng khi triển khai dự án đó, ta lại phân quyền cho ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, vừa phân quyền, vừa tập quyền khi triển khai dự án mà lẽ ra chỉ nên tập quyền. Điều này khiến cho việc triển khai dự án bị chậm trễ.

Để thực hiện phân quyền hay tập quyền phải căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, căn cứ Luật Tổ chức hội đồng nhân dân, UBND và căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ. Tôi tán thành đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng tôi mong muốn phải quy định rõ hơn cái nào phân quyền, cái nào tập quyền. Ví dụ, xây dựng trường học, xây dựng bệnh xá, xây dựng trạm y tế phải phân quyền cho địa phương vì những công trình này ảnh hưởng đến người dân địa phương. Đây mới chính là thế mạnh để các địa phương trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư chứ không phải chúng ta thu hút nhà đầu tư bằng cách đua nhau hạ giá, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào địa phương và mong muốn việc đầu tư sớm có hiệu quả. Vậy thì chúng ta tạo điều kiện để hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư của họ phát huy hiệu quả nhanh nhất, chẳng hạn sau 3 tháng, 5 tháng họ đã có nhà máy.

Tôi tán thành đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng tôi mong muốn phải quy định rõ hơn cái nào phân quyền, cái nào tập quyền - TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đã đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án dưới 10.000 tỷ đồng..., ông suy nghĩ như thế nào về những đề xuất cụ thể này?

Đầu tư công là tiêu tiền thuế của dân, tiêu 1 đồng cũng như tiêu 10 đồng, trình tự phải giống nhau, đánh giá phải giống nhau chứ không có nghĩa là khi tiêu 1 đồng thì không phải báo cáo còn tiêu 10 đồng mới phải báo cáo. Chúng ta vẫn bị “bệnh” kế hoạch hóa, vẫn cho là dự án quy mô lớn là quan trọng, cần cấp trên phê duyệt; dự án quy mô nhỏ là cấp dưới phê duyệt hoặc lo ngại dự án quy mô lớn thì địa phương không đủ năng lực để quyết định. Thực tế không hẳn như vậy.

Tương tự, chúng ta cần phải thay đổi tư duy lo ngại khi quy định chủ tịch UBND các cấp vừa quyết định chủ trương dự án, vừa quyết định đầu tư thì chưa khách quan. Hơn nữa, nếu phân cấp dự án dưới 10.000 tỷ đồng cho chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, chúng ta không thể loại trừ sẽ xảy ra tình trạng người lập dự án sẽ chỉ đề xuất 9.700 tỷ đồng, còn 300 tỷ đồng sẽ báo cáo phát sinh và đề nghị bổ sung sau khi tiến hành đầu tư.

Vấn đề quan trọng là phải đi vào bản chất việc chi tiêu đó có đúng hay không chứ không chỉ đánh giá tiêu nhiều hay tiêu ít. Ở góc độ kiểm toán dự án đầu tư công, Kiểm toán nhà nước phải đánh giá việc chi tiêu đúng hay không chứ không đánh giá quy mô dự án. Do đó, nên chăng cần phải thay đổi tư duy, nhận thức khi xây dựng luật. Nếu vẫn tư duy như cũ, nhận thức như cũ thì mọi quá trình sửa đổi luật, thay đổi quy trình đều trong vòng luẩn quẩn.

Còn việc “xin - cho” là do cơ chế. Đơn cử, theo quy định, dự án trên 10.000 tỷ đồng thì địa phương phải “xin” Trung ương, dưới 10.000 tỷ đồng thì địa phương tự quyết. Một tỉnh nghèo nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, họ duyệt dự án 8.000 tỷ đồng nhưng chỉ lo được 2.000 tỷ, còn 6.000 tỷ “xin” Trung ương. Cơ chế “xin - cho” là ở đó. Để xóa bỏ cơ chế “xin - cho” này, cần thực hiện cơ chế cho phép địa phương quyết 6.000 tỷ hoặc 8.000 tỷ đồng và địa phương chịu trách nhiệm lo toàn bộ số vốn đó. Trong trường hợp Trung ương quyết thì Trung ương phải chuyển vốn về cho địa phương để họ xây dựng và đầu tư. Như vậy, Trung ương và địa phương độc lập trong từng đầu việc, không “dính dáng” đến nhau. Có như vậy mới xóa bỏ được cơ chế “xin - cho”.

Ngoài vấn đề phân cấp, phân quyền, theo ông trong thực tế hiện nay còn nguyên nhân nào vẫn chậm cải thiện làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công?

Thủ tục quá nhiều, quá phiền phức! Chẳng hạn, một thủ tục rất đơn giản liên quan đến mỏ vật liệu. Chúng ta duyệt quy hoạch đường, duyệt thiết kế đường nhưng không phê duyệt kèm theo mỏ vật liệu. Theo Luật Khoáng sản, mỏ vật liệu để xây dựng cơ bản do địa phương cấp cho doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trung ương làm đường của trung ương đi qua đó phải mua vật liệu của doanh nghiệp địa phương. Khi đó doanh nghiệp địa phương đẩy giá vật liệu lên cao. Địa phương công bố giá cát/đất với giá ví dụ là 20.000 đồng/1m3 nhưng doanh nghiệp trung ương phải mua với giá 27.000 đồng, hoặc 30.000 đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp trung ương phải đấu thầu theo giá vật liệu do sở tài chính công bố là 20.000 đồng/1m3. Khi mỗi mét khối vật liệu chênh lên 7.000 đồng và với hàng trăm nghìn mét khối đất/cát thì sẽ chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp trung ương không thể làm được.

Để giải quyết vấn đề mỏ vật liệu này, cần phải xem xét có tiếp tục giao cho địa phương quản lý mỏ khoáng sản hay không; khi phê duyệt tuyến đường thì có phê duyệt ngay mỏ đất không. Nếu phê duyệt mỏ đất mà mỏ thuộc địa phương thì có thu hồi quyết định của địa phương để phục vụ cho lợi ích quốc gia là giá 20.000 đồng/m3 hay vẫn để địa phương công bố 20.000 nhưng bán 27.000-30.000 đồng/m3.

Tóm lại, chỉ khi việc sửa đổi pháp luật nói chung, pháp luật về đầu tư công nói riêng cũng như quá trình thực thi đi vào bản chất thì mới khắc phục được những bất cập về việc phân cấp, phân quyền cũng như những vướng mắc trong đầu tư công. Đặc biệt, cần triệt để thực hiện nguyên tắc: địa phương quyết định việc sử dụng ngân sách của mình; Trung ương quản lý địa phương bằng quy hoạch và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý nếu có sai phạm./.

Trân trọng cảm ơn ông!

THÙY ANH (thực hiện)