Sửa Luật Điện lực để giải quyết các bất cập, đảm bảo thị trường cạnh tranh minh bạch, công bằng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 25/10/2024

(BKTO) - Trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn - ông Nguyễn Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhận định.
dien.jpg
Sửa Luật Điện lực để giải quyết các bất cập, đảm bảo thị trường cạnh tranh minh bạch, công bằng. Ảnh minh họa: ST

Còn bất cập, vướng mắc cản trở sự phát triển của ngành điện

Theo ông Nguyễn Việt Hoà, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023.

Từ thực tiễn, Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực điện lực, đáng chú ý trong đó là các yếu tố thị trường, cơ chế huy động nguồn lực còn thiếu cụ thể…

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có các quy định, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với xu hướng chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành điện lực.

Cùng với đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương mới của Đảng về phát triển bền vững ngành điện; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Qua đó hướng tới đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 520/TTr-CP ngày 25/9/2024 và Tờ trình tóm tắt số 521/TTr-CP cùng hồ sơ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

dien1.jpg
Trước nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao, cần huy động nguồn lực rất lớn cho các dự án điện. Ảnh minh họa: ST

Trong Tờ trình, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn nhằm xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân - ông Nguyễn Việt Hòa cho biết.

Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã chuẩn bị những văn bản liên quan để triển khai Luật Điện lực sớm nhất ngay sau khi được thông qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Thể chế hóa các chính sách thông qua sửa đổi, bổ sung nhiều quy định

Các chuyên gia nhận định, ngành điện Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề giá thành, sản xuất và phân phối điện. Đơn cử, về giá thành, theo các báo cáo, hiện nay, giá bán điện tại Việt Nam thấp hơn giá thành sản xuất, gây ra sự mất cân đối nghiêm trọng.

Kết quả kiểm tra mới nhất do Bộ Công Thương chủ trì cho thấy, giá thành điện trung bình năm 2023 là 2.088 đồng/kWh, trong khi giá bán bình quân là 1.953 đồng/kWh, thấp hơn 6,92% so với giá thành. Sự chênh lệch giữa giá bán và giá thành không chỉ gây thua lỗ cho các doanh nghiệp điện lực mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành.

Do đó, một trong 6 nhóm chính sách lớn được tập trung sửa đổi tại Luật Điện lực lần này có nhóm chính sách liên quan đến quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định hoạt động mua bán điện ở Chương V với 03 Mục, 29 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương này chủ yếu về: Hợp đồng kỳ hạn điện; Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; Quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; Giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chính sách liên quan đến giá điện như cơ cấu biểu giá điện, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các dự án, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết. Cụ thể, so với Luật Điện lực năm 2004, Dự thảo Luật đã bổ sung, cập nhật nhiều quy định để giải quyết các vướng mắc về bù chéo giá điện trong thời gian qua.

“Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của các đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực, có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện; đồng thời sửa đổi các nội dung về thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện” - ông Nguyễn Việt Hòa nêu rõ.

nl.jpg
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung 01 Chương mới về Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Ảnh minh họa: ST

Bên cạnh nhóm chính sách về hoạt động mua bán điện là các nhóm chính sách liên quan đến Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý, vận hành hệ thống điện; chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 09 Chương, 130 Điều, giảm 01 Chương và tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành. Trong đó Chương mới được bổ sung là: Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (Chương III với 2 Mục, 16 Điều) nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu và điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân và hydozen.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, nội dung mới liên quan đến điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là những nội dung chưa có nhiều thực tiễn để kiểm nghiệm, do đó đòi hỏi cần phải có sự điều hành linh hoạt trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả, khả thi./.

QUỲNH ANH