Tháo gỡ “điểm nghẽn”, đưa kinh tế bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 26/10/2024

(BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn… là những điểm nghẽn cần được nhận diện rõ để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thi hành Hiến pháp, pháp luật; về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

6ee4e08b6a8fd2d18b9e.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ sáng 26/10. Ảnh: Đ, KHOA

Kinh tế phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bão số 3 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm vẫn tiếp tục giữ đà phục hồi tích cực, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá, mặc dù rất khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam 9 tháng vừa qua vẫn tăng trưởng 6,82%; ước cả năm 2024 đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Đặc biệt, theo đại biểu, dù khó khăn "tứ bề" nhưng nước ta đã xây dựng, hoàn thành thêm 109km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km và đang quyết liệt triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” trong năm 2025. Đồng thời, Trung ương đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… Đây chính là huyết mạch của nền kinh tế trong tương lai gần.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhận diện rõ hơn những khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế.

4abda1f86cfcd4a28ded.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh), để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) cũng đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân do các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu và công tác chuẩn bị đầu tư. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần phải chuẩn bị kỹ càng công tác chuẩn bị đầu tư thì sẽ giải quyết được điểm nghẽn này.

b58bf8eb72efcab193fe.jpg

Nhiều địa phương hiện nay tốc độ giải ngân gần như không đáng kể và cũng chưa thấy dấu hiệu chuyển biến. Vậy chúng ta phải làm rõ nguyên nhân gì dẫn tới tình trạng như vậy; thủ tục hay là những vướng mắc về hệ thống pháp luật, hay là thái độ né tránh, dè dặt, không dám làm. Chúng ta phải phân tích cho kỹ. Đây là vấn đề quan trọng vì nếu không “bắt mạch” được thì không tìm ra giải pháp phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án.

“Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kilogram, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ, mới thấy thật sự lãng phí” - đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, đồng thời đề nghị cần tiếp tục đánh giá, làm rõ các nguyên nhân của những tồn tại để năm 2025 và các năm tiếp theo nền kinh tế có thể bứt phá.

Khơi thông nguồn lực tăng thu ngân sách

Góp ý vào 11 nhóm giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” thể hiện sự phân cấp rất mạnh mẽ song cần tạo cơ chế, chính sách rõ ràng, đồng bộ và có cơ chế cho các địa phương tăng nguồn thu.

2927a1582b5c9302ca4d.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát  biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Cùng với đó, theo đại biểu, từ nay đến cuối năm 2025, có rất nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện song năng lực hấp thụ còn hạn chế. Do đó, Chính phủ cần đánh giá thêm năng lực hấp thụ các chính sách, để khi chính sách được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị, trong các nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, cần nhấn mạnh và bổ sung thêm giải pháp về tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển và nâng tầm doanh nghiệp.

Về thu ngân sách nhà nước, đại biểu đề xuất, đối với nguồn ngân sách địa phương, cần đánh giá lại các nguồn thu, nhất là với các nguồn thu mới như các hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh trên nền tảng số; đồng thời, có cơ chế rõ ràng đối với thu từ nguồn sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trong nước và vấn đề nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường hiện nay để có giải pháp hữu hiệu hơn thời gian tới.

Liên quan dự toán ngân sách nhà nước, đại biểu nêu thực tế, hiện nay, việc phân bổ tăng thu ngân sách từ năm 2021-2023 chưa thực hiện phân bổ xong. Nếu khơi thông được nguồn lực này tốt hơn sẽ kích thích cho tăng trưởng và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

5d007978897b3125686a.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Bên cạnh đó, việc chưa phân bổ ngân sách hàng năm là quá lớn. Đại biểu đề xuất, những nội dung nào đủ điều kiện thì có thể phân bổ, còn nội dung khác chưa đủ điều kiện thì sẽ đưa vào dự phòng, điều chỉnh, bổ sung thêm. Trong trường hợp chưa phân bổ lại thì bội chi ngân sách nên điều chỉnh lại để dành nguồn lực lớn hơn triển khai các dự án quan trọng quốc gia.

Mặt khác, cần thực hiện cắt giảm tiết kiệm chi hàng năm ngay từ đầu vì hiện tại thủ tục điều chỉnh tiết kiệm chi kéo dài, gây bị động trong quá trình triển khai ở các Bộ, ngành, địa phương…

Đại biểu Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn rất khó khăn. “Với chính sách như hiện nay thì không có nhà đầu tư tham gia làm nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, nhà ở thương mại thì giá rất cao, mua xong rồi để đấy bỏ hoang rất nhiều, còn người có nhu cầu thì không có nhà ở” - ông Vũ Hồng Thanh nói và đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường bất động sản cùng với các giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh, hậu quả từ cơn bão số 3 (Yagi) rất lớn, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn vấn đề này, làm rõ hơn các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể triển khai trong thời gian tới để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đ. KHOA