Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng dự án điện

Pháp luật - Ngày đăng : 07:31, 27/10/2024

(BKTO) - Chiều 26/10, thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần được rà soát kỹ lưỡng, tập trung sửa đổi những vấn đề cấp thiết nhằm giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
a63cfc251a26a278fb37.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân.

Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước;...

Tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ, qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hiện nay, các dự án lưới điện trung, hạ áp có diện tích chiếm đất nhỏ, hơn 90% là cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân và trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, trạm bơm nước sinh hoạt, bệnh viện…

Thực tế, các dự án này không được quy hoạch chi tiết, việc đầu tư tùy thuộc nhu cầu phụ tải thực tế (quá tải đột biến, các phụ tải tiểu thủ công nghiệp…). Do vậy, thời gian triển khai cần nhanh (thường yêu cầu trong vòng 5 - 6 tháng).

“Nếu phải thực hiện chủ trương đầu tư như quy định tại khoản 2, Điều 19 của Dự thảo Luật thì sẽ kéo dài dự án đầu tư do phải đáp ứng các điều kiện phải có quy hoạch sử dụng đất 5 năm/lần” - đại biểu Ngọc nói và đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định này để tạo điều kiện cho các công ty điện lực các tỉnh triển khai thực hiện các dự án này, bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và đáp ứng nhu cầu điện hiện nay.

dang-bich-ngoc-hoa-binh1-7302-4569.jpg
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: LÂM HIỂN

Về các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20, 21, 22), theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, việc xây dựng cơ chế bảo đảm cung ứng điện trong các tình huống khẩn cấp là hết sức cần thiết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, bảo đảm tối đa, nhanh chóng nguồn an ninh năng lượng.

Theo đại biểu, nếu không có cơ chế đặc thù thì việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục, quy trình sẽ kéo dài thời gian tổ chức thực hiện và ảnh hưởng đến yêu cầu cung cấp điện và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư khi vào đầu tư các địa phương. Do đó, cần có những quy định đặc thù, rõ ràng để triển khai, bảo đảm mục đích và yêu cầu phát triển giai đoạn hiện nay.

Hiện nay việc triển khai công tơ điện thông minh là giải pháp quản lý hiện đại, giúp giám sát lượng điện tiêu thụ theo thời gian thực, từ đó phát hiện sớm các sự cố hoặc sai lệch trong đo đếm. Điều này không chỉ giúp khách hàng kiểm soát tốt hơn lượng điện sử dụng mà còn giúp nhà cung cấp phát hiện các vấn đề kỹ thuật nhanh hơn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý sử dụng điện sau công tơ hiệu quả, giảm thiểu tổn thất không đáng có cho khách hàng .

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc

Quan tâm đến quy định thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực, đại biểu Ngô Hoàng Ngân (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị nên quy định theo thời gian của dự án.

Đại biểu phân tích, nếu xây dựng một nhà máy điện hoạt động 30 năm thì mới thu hồi được vốn bằng những hoạt động có hiệu quả, do đó, nên cấp phép một lần đủ 30 năm. Trường hợp chỉ cấp 20 năm thì thời hạn gia hạn giấy phép còn lại chỉ cấp một lần và cấp trong vòng những năm còn lại của đời dự án.

“Nếu chỉ cấp giấy phép trong vòng 12 tháng sau đó chúng ta lại phải xin thì sẽ hình thành một cơ chế xin - cho và sẽ rất khó cho các đơn vị sản xuất. Bởi xây dựng một dự án phát điện hoặc một dự án truyền tải điện hoặc dự án về lĩnh vực liên quan đến phân phối điện phải xây dựng chỉ tiêu kinh tế, liên quan đến hiệu quả kinh tế mà hiệu quả kinh tế thì không phải là 10 năm, 10 năm hoặc 20 năm mà nó có thể là 30 đến 40 năm” - đại biểu Ngân nêu rõ.

abb8fdde5bdde383bacc.jpg
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Nhấn mạnh đây là luật chuyên ngành, rất khó, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, việc sửa đổi Luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay nhưng chỉ làm trong 1 kỳ họp là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, không vì sức ép thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng luật. Đại biểu đề nghị chỉ sửa đổi các vấn đề thực sự cấp thiết, không đưa các vấn đề ở tầm thông tư, nghị định vào trong Luật.

Theo đại biểu, với sự eo hẹp về thời gian như hiện nay, rất khó thông qua tại 1 kỳ họp. Trường hợp nếu thông qua, phải làm thật kỹ, bảo đảm tính ổn định và phải tháo gỡ được những khó khăn trong thực tiễn.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua trong 1 kỳ họp vì việc sửa đổi Luật cần phải chắc chắn và kỹ lưỡng, đặc biệt phải phúc đáp được thực tiễn. Bởi hiện nay, ngay trong nội tại của Luật cũng có vấn đề không thống nhất được như vấn đề quy hoạch và việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự thảo Luật cũng đề cập đến vấn đề “bù chéo giá điện” nhưng không giải thích nội hàm thế nào là “bù chéo giá điện” và cơ cấu như thế nào để không còn tình trạng bù chéo cũng như xây dựng lộ trình thực hiện.

Đ. KHOA