Hà Nội: Nỗ lực kiến tạo “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp ngoại
Địa phương - Ngày đăng : 11:00, 10/10/2024
Duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài
Trong chiến lược phát triển, Hà Nội luôn ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Hà Nội đã và đang ưu tiên những dự án đầu tư chất lượng tập trung vào các lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển; du lịch; dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Đồng thời, Thành phố đã tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội không ngừng đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, hướng đến các thị trường, quốc gia trọng điểm (như các nước thuộc Nhóm G7, G8), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thành phố....
Từ định hướng đó, để thu hút dòng vốn FDI, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Đồng thời, Thành phố cũng công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.
Bên cạnh đó, xác định hạ tầng là một yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư, Hà Nội luôn chú trọng phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42ha, trong đó, có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Đặc biệt, TP. Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, nhằm tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Với những nỗ lực đó, Hà Nội luôn duy trì sức hút với dòng vốn FDI. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, toàn Thành phố thu hút được 1,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó, đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.
Theo đánh giá của các Sở, ngành địa phương, hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hà Nội đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Đồng bộ giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài
Bên cạnh những kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI, theo các cơ quan chức năng của Hà Nội, thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy chất lượng, hiệu quả thu hút vốn FDI trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số hạn chế.
Chẳng hạn như, đầu tư của khu vực FDI vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi, như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những ngành này thường sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1 héc-ta đất sử dụng chưa cao, dự án chủ yếu có quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và ưu đãi được hưởng; tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao; mức độ liên kết, kết nối với các khu vực khác của nền kinh tế vẫn còn thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ cũng chưa thực sự cao…
Từ thực tế đó, để tiếp tục thu hút hiệu quả dòng vốn FDI, mới đây Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Công văn về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút và quản lý FDI.
Theo đó, Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư TP. Hà Nội; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị cần tích cực rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động…, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Về phía nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ Thành phố tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Song song với đó, Thành phố cũng cần tăng cường tiếp xúc các nhà đầu tư, quan tâm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó mới có thể hình thành hệ sinh thái để đón và giữ chân những doanh nghiệp lớn, có công nghệ hiện đại vào đầu tư lâu dài.
Ngoài ra, Thành phố cần nghiên cứu thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho thu hút FDI. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại…/.