Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại, xứng tầm
Địa phương - Ngày đăng : 10:01, 20/10/2024
Mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại
Có thể thấy, sau nhiều năm nỗ lực để đổi thay diện mạo Thủ đô, đặc biệt là từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.
Theo đó, trong thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô, hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông..., cùng nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín.
Đến nay, TP. Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ hướng tâm được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46 km của 7 tuyến đường vành đai.
Đặc biệt, Dự án Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023. Bốn trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.
Việc đầu tư hình thành các tuyến đường trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành. Tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội cũng chính thức vận hành thương mại. Trong thời gian tới, khi hoàn thiện toàn tuyến, đường sắt đô thị sẽ tạo nên một vòng cung kết nối giữa hai trục cửa ngõ Tây - Tây Nam Thủ đô, thuận tiện hơn rất nhiều cho việc đi lại của người dân; cũng như mở ra kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh, hiện đại, văn minh và góp phần bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, những thành tựu nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Sự phát triển của mạng lưới hạ tầng giao thông cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tập trung phát triển hệ thống “giao thông xanh”
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông theo hướng ngày càng hiện đại hơn, Hà Nội cũng đang nỗ lực hết sức và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và xe buýt điện, taxi điện, đường sắt đô thị, xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.
Hiện tại, Hà Nội có 128 tuyến buýt trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, trong đó có 282 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 14,8% tổng số phương tiện. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70 - 90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035 (sớm hơn so với lộ trình đến năm 2050 mà Chính phủ đã đặt ra). Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố.
Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Theo Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hướng tới mục tiêu xanh hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch. Theo đó, hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên một số tuyến. Dự kiến, đầu năm 2025, các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành...
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường “xanh hóa” hệ thống phương tiện vận tải giao thông công cộng. Qua đó góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường và tạo dựng hình ảnh một Thủ đô xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững./.