Cần thêm điều kiện để giải bài toán “có tiền mà trụ sở hỏng không sửa được”

Kinh tế - Ngày đăng : 11:09, 28/10/2024

(BKTO) - Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khắc phục tình trạng “có tiền mà cơ sở vật chất hỏng không sửa được”. Tuy vậy, những vướng mắc chỉ thực sự tháo gỡ khi các quy định của Luật Đấu thầu về mức giới hạn phải đấu thầu được sửa đổi để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Nghị định này.
138.jpg
Nghị định 138 cho phép việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình được chi tối đa không quá 15 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chủ động, kịp thời mua sắm, cải tạo nâng cấp các công trình. Ảnh minh họa

Ách tắc về chi thường xuyên cho mua sắm, cải tạo công trình

“Có tiền mà cơ sở vật chất hỏng không sửa được” là tình cảnh chung của nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua. Nguyên nhân là bởi, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị phục vụ bộ máy nhưng Luật Đầu tư công lại quy định các khoản chi xây mới, sửa chữa… phải dùng nguồn chi đầu tư công và phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều việc rất nhỏ như sửa hàng rào, ống cống hay biển báo giao thông... là những việc đột xuất, phát sinh, cấp bách của địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không được dùng nguồn chi thường xuyên mà cũng không thể chờ đợi để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.

Vướng mắc này đã liên tục làm nóng nghị trường thời gian qua. Gần đây nhất là tháng 11/2023, nghị trường phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã “nóng” lên bởi những tranh luận của các đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong đầu tư công.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng) nêu vấn đề: Luật NSNN và pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, quy định tính chất của dự án đầu tư công tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công lại dẫn đến cách hiểu, toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật NSNN và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Dẫn thực tế tại thời điểm lập dự toán phân bổ ngân sách 2024, các kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng phải làm theo thủ tục đầu tư công, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) cho rằng, nếu sử dụng từ nguồn chi thường xuyên thì chắc chắn phải “lách” từ cái tên cho tới việc giải trình với cơ quan chức năng. Từ đó, đại biểu Hậu đề xuất đưa lại nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào luật và cần sửa Luật NSNN, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công...

138-2.jpg
Chỉ khi mức giới hạn phải đấu thầu được sửa đổi thì mới đảm bảo đồng bộ với Nghị định 138 và tháo gỡ được vướng mắc về sử dụng nguồn chi thường xuyên trong mua sắm, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh minh họa

Tiếp tục gỡ vướng về mức giới hạn phải đấu thầu

Trước thực tế này, tháng 01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết.

Thực hiện yêu cầu trên, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng (Nghị định 138). Ngày 24/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định này.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định 138 sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đã được các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành và địa phương phản ánh trong quá trình sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng, nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự kiến, ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ngày 29/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật này.

Một điểm mới đáng ghi nhận của Nghị định 138, theo đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, là đã quy định rõ, việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình được chi tối đa không quá 15 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chủ động, kịp thời trong việc mua sắm, cải tạo nâng cấp các công trình. Ghi nhận điểm mới này nhưng đại biểu Trần Hữu Hậu còn băn khoăn: Quy định hiện hành về đấu thầu khiến những tháo gỡ của Nghị định 138 vẫn đứng trước nguy cơ bị “bó lại”.

Cụ thể, điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định: “Chỉ định thầu được áp dụng” khi “gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng”. Theo quy định này, gói thầu 100 triệu đồng phải đấu thầu. Điều này vênh với quy định tại Nghị định 138, xa rời thực tế, gây vướng mắc cho các địa phương, Bộ, ngành vì phải thực hiện nhiều thủ tục, tăng thêm chi phí, thời gian mời thầu, đấu thầu... trong khi đây lại là hạng mục không lớn.

Theo đó, đại biểu Trần Hữu Hậu đề xuất mức giới hạn phải đấu thầu đối với việc mua sắm thiết bị của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn chi thường xuyên lên 1 tỷ đồng, còn với việc cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng thì mức giới hạn nên cao hơn 1 tỷ đồng. Chỉ khi Luật Đấu thầu sửa đổi những nội dung này để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Nghị định 138 thì mới tháo gỡ được vướng mắc về sử dụng nguồn chi thường xuyên trong mua sắm, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập./.

THÙY ANH