Thị trường dược phẩm giàu tiềm năng tăng trưởng, thu hút đầu tư
Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 27/12/2018
(BKTO) - Ngày 26/12, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 Doanh nghiệp dược uy tín năm 2018 và Top 10 Doanh nghiệp phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế uy tín năm 2018.
![]() |
Top 10 Doanh nghiệp sản xuất dược phẩm uy tín năm 2018 |
![]() |
Top 10 Doanh nghiệp phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế uy tín năm 2018 |
Hiện Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging) theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute. Năm 2016, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD/năm, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD) và mới chỉ mới bằng khoảng một nửa mức trung bình của các nước có ngành dược mới nổi. Do đó, thị trường Việt Nam hấp dẫn nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư, như Abbott (sở hữu 51,7% cổ phần của Domesco và mua lại Glomed Pharmaceutical), Taisho (tăng sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 34,3%), Stada Service Holding B.V (được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72% tại Pymepharco), Adamed Group (đã thâu tóm 70% cổ phần của Davipharm)... Trong nước, ngành dược cũng đã và đang thu hút đầu tư chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, Masan Group, Vinamilk, Thế giới Di động...
Theo cảnh báo của World Bank, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Những điều này đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cùa người dân Việt Nam đang tăng lên. Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen nhận định, sức khỏe là một trong hai mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018.
Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật... là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành dược.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021. Đây cũng là kết luận được rút ra từ cuộc khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành dược vừa qua (tháng 12/2018) của Vietnam Report. Cụ thể, gần 78% chuyên gia và doanh nghiệp dược dự báo tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019 sẽ đạt trên 10% (năm 2017, 75% DN ngành dược dự báo tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt trên 10% trong năm 2018). Điều này cho thấy sự tự tin vào khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp dược.
![]() |
Dự báo tăng trưởng ngành dược năm 2019 |
Trong khi đó, Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất phong phú. Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trong tổng số trên 5.000 loài cây và nấm làm thuốc đã biết, có nhiều loài có tiềm năng khai thác tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường. Một con số đáng quan tâm là khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Như vậy, có thể thấy tiềm năng của mảng sản phẩm này là rất lớn, tuy nhiên, sản xuất đông dược chỉ đang chiếm thị phần rất nhỏ, xấp xỉ 1- 1,5%. Đây cũng là điểm hạn chế của ngành sản xuất dược trong nước hiện nay khi chưa có sự đầu tư thích hợp cho dòng sản phẩm đông dược dễ dùng, tiện lợi, có tính an toàn cao, thoát khỏi việc phụ thuộc nguyên liệu nhập để tối ưu giá thành sản xuất.
PHÚC KHANG