Cần nguồn quỹ riêng cho phát triển nhà ở xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 20:11, 28/10/2024
Tạo nguồn vốn bền vững, ưu đãi
Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” cho thấy, chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển NOXH.
Theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, chủ đầu tư dự án NOXH được hưởng 6 ưu đãi. Quá trình thực hiện quy định về ưu đãi chủ đầu tư NOXH cho thấy, hình thức ưu đãi được nhiều địa phương áp dụng nhất là miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê; miễn, giảm Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp và dành 20% diện tích đất, 20% diện tích sàn để kinh doanh thương mại. Đối với một số ưu đãi như hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NOXH, rất ít địa phương thực hiện do vướng mắc về pháp luật đầu tư công. Một số địa phương đã ban hành cơ chế chính ưu đãi riêng cho chủ đầu tư dự án NOXH - Báo cáo giám sát nêu.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khó thực hiện dẫn đến chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao khiến giá bán NOXH cao, đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH khó tiếp cận.
Từ thực tế được chỉ ra, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển NOXH. Trong đó, nghiên cứu hình thành quỹ phát triển NOXH hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển NOXH; nghiên cứu thành lập hoặc thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển NOXH…
Đồng tình kiến nghị của Đoàn giám sát, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) phân tích, đối tượng cần NOXH là những người không có nhiều tiền, thu nhập chỉ dùng cho trang trải cuộc sống, không có tiền tích lũy để trả tiền mua nhà, thậm chí không đủ trả lãi tiền vay, thì làm sao có thể đủ tiền để mua nhà.
Thực tế, rất nhiều người thu nhập thấp sau thời hạn 5 năm đã bán NOXH vì cần tiền hơn cho việc trả nợ và các việc khác.
Do vậy, để cho người thu nhập thấp có chỗ ở, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải tăng phân khúc nhà ở cho thuê đối với người thu nhập thấp. Người có thu nhập thấp có thể thuê nhà ở này suốt đời, khi tích lũy đủ tiền thì sẽ chuyển sang mua nhà ở thương mại và dành quỹ nhà đó cho những người thu nhập thấp khác vào thuê.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, khi đầu tư nhà ở cho thuê là bỏ tiền cục và thu tiền lẻ, thậm chí tiền lẻ này không đủ để bảo dưỡng, vận hành nhà đó. Do đó, chúng ta không thể trông chờ doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở cho thuê mà cần phải có một quỹ dành riêng cho đầu tư phát triển nhà ở cho thuê.
Tôi đồng tình với việc phải hình thành quỹ đầu tư phát triển NOXH lấy từ nguồn thu 20% tiền sử dụng đất NOXH của các dự án nhà ở thương mại để hình thành cho quỹ này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho NOXH. Trong đó, nên quy hoạch các khu vực riêng về đất để phát triển NOXH, đảm bảo ít nhất có 30% diện tích đất phát triển bất động sản tại các khu đô thị mới được ưu tiên cho các dự án NOXH.
Cùng với đó, cần tạo nguồn vốn bền vững, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp phát triển NOXH bằng cách thành lập Quỹ tín dụng phát triển NOXH với cơ chế quản lý phù hợp.
Tạo thuận lợi cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội
Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình) đề nghị, Dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội cần cụ thể hóa các chủ trương chung về phát triển NOXH.
Đơn cử, Luật Nhà ở năm 2023 đã giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ quản dự án NOXH bằng nguồn tài chính công đoàn. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết chưa có kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp đối với chủ thể này.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng mua NOXH không đúng, để bán sang tay, cần đẩy mạnh việc xây dựng NOXH từ ngân sách nhà nước để cho thuê.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu NOXH. Trong đó, chú trọng bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Đồng thời, cần phải thực hiện bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng NOXH hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển NOXH cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động.
Hơn nữa, cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như mua NOXH.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai có hiệu quả các dự án NOXH cho công nhân lao động, đặc biệt ở các vùng tập trung đông khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân./.