"Vượt ngàn chông gai”, ngành thủy sản quyết tâm chinh phục mục tiêu xuất khẩu

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:30, 28/10/2024

(BKTO) - Dù quay lại đà tăng trưởng với con số xuất khẩu tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái song xuất khẩu thủy sản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Đây là rào cản nhưng cũng là động lực để ngành thủy sản chứng tỏ sự trưởng thành trong gian khó để chinh phục mục tiêu đề ra.
71724d43cb798c751fd80bfb9d4bfd2b6-ganh-ca-com-thue-anh-minh-le-1979.jpg
Xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng, song còn nhiều khó khăn. Ảnh ST

Xuất khẩu thủy sản tiếp đà tăng trưởng... 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính chung trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Xuất khẩu cá tra 9 tháng mang về kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cá tra chế biến tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng tăng đột phát 42%, cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%...

Đáng chú ý, xuất khẩu cua ghẹ từ đầu năm tới nay luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này tăng 66% đạt 227 triệu USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Phân tích thêm về kết quả này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình xung đột, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản đang quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong  quý III, xuất khẩu thủy sản đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận sự bứt phá ấn tượng, như cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56% và nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%.

tham-ngu-dan.jpg
Ảnh hưởng của trận bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến ngành thủy sản. Ảnh ST

... song còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả tích cực, xuất khẩu thủy sản cũng phải đối diện với thách thức đến từ nguồn nguyên liệu cũng như cạnh tranh thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep, ngay cả mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm hiện cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chế biến; sự cạnh tranh với sản phẩm tôm Ecuador...

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là cá ngừ cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, dẫn đến kết quả xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 giảm gần 6% so với cùng kỳ, kết quả xuất khẩu trong quý III chỉ cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nêu cụ thể, ông Nam cho biết, bắt đầu từ tháng 8, xuất khẩu cá ngừ chững lại và đang có chiều hướng giảm trong những tháng cuối năm vì quy định đánh bắt cá ngừ kích thước tối thiểu 0,5m khiến cho ngư dân không khai thác được, doanh nghiệp không có nguyên liệu để chế biến.

Ngoài ra, vấn đề nguyên liệu thủy sản nói chung được dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi sau bão số 3, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề với hàng trăm nghìn tấn sản phẩm trong kỳ thu hoạch đã bị cuốn trôi, hạ tầng nuôi bị phá hủy nặng nề.

Những thiệt hại này đã ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn hàng cho tiêu dùng trong nước, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn hàng cho xuất khẩu, nhất là vào thời điểm cuối năm tiêu dùng trong nước tăng cao.

“Hiện Cục Thủy sản và địa phương đang phối hợp hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, song điều này cần có thời gian, từ xây dựng lại hạ tầng đến xuống giống” - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết.

 Một trong những địa phương có nguồn cung thủy sản lớn cho thị trường là Quảng Ninh. Tuy nhiên, thiệt hại từ trận bão số 3 cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nguồn cung thủy sản của tỉnh này. 

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Phan Thanh Nghị, trận bão số 3 đã làm thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, riêng Vân Đồn là khoảng 2.300 tỷ đồng, làm thất thoát trên 32.000 tấn hải sản đến kỳ thu hoạch.

Ngay sau bão, huyện đã tiến hành giao tạm mặt biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản triển khai sản xuất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Vân Đồn, do thiệt hại quá lớn nên việc khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng cần có thời gian, thậm chí là hết năm nay mới có thể phục hồi sản lượng nuôi.

Đồng hành vượt khó

Những thách thức từ thị trường đòi hỏi các ngành chức năng, các doanh nghiệp và ngư dân phải chung tay đồng hành để vượt qua, hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu.

Trước hết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ NNPTNT cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng các giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra; đồng thời thúc đẩy việc tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất thủy sản theo quy mô lớn, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.

z5484116556209_95f77e274292ebb09365b9bf7d8ffc6f.jpg
Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản là yêu cầu quan trọng để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Ảnh: N.Lộc

Đối với các địa phương chịu thiệt hại lớn về nguồn thủy sản do bão số 3 gây ra, ngay sau bão, Cục Thủy sản đã phối hợp cùng các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn thủy sản và hướng dẫn người dân sớm ổn định sản xuất phù hợp, nhất là trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.

Theo đại diện Vasep, bên cạnh việc tái sản xuất đối với các giống thủy sản cần nhiều thời gian, trước mắt, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng cần đẩy mạnh nuôi các loại thủy sản ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như rong, tảo biển, nhuyễn thể… để kịp cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi khai thác, thả nuôi chưa thể đáp ứng nguồn cung thủy sản, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc chế biến sâu để khai thác tối đa giá trị của sản phẩm, cũng như không lãng phí sản phẩm có giá trị cao như thủy sản, đặc biệt là tôm, cá ngừ…

Sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và dự báo khó khăn từ thị trường, ngành thủy sản đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu năm 2024 xuống còn gần 10 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái.

Bộ NNPTNT khuyến nghị trong quý IV, hầu hết thị trường nhập khẩu đang gia tăng tiêu chuẩn khắt khe nên các doanh nghiệp cần tập trung vào những chứng nhận bền vững để có thể tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh. 

Theo ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, bối cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như thị trường càng đòi hỏi các bên cần liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tận dụng các nguồn nguyên liệu cho chế biến.

Khi các hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp để phát triển chế biến sâu thì sản phẩm thu được sẽ có giá trị cao hơn, thay vì chỉ khai thác sản phẩm đông lạnh. Đặc biệt, khi chế biến sâu, sản phẩm có thể dễ dàng chinh phục được các kênh tiêu thụ hiện đại như nhà hàng, khách sạn và đẩy mạnh xuất khẩu./.

N.LỘC