Mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 11:14, 29/10/2024
Sáng 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước
Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về tài chính, ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế, dự trữ quốc gia rất được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Pháp luật liên quan đến tài chính, ngân sách đã được quy định tại nhiều văn bản như: văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII…
Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách…, do đó, cần có sự rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Vì vậy, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 Luật hiện hành, gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, đối với Luật Kiểm toán độc lập, Phó Thủ tướng cho hay, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính. Một là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với KTĐL, góp phần ổn định và phát triển kinh tế;
Hai là, nâng cao chất lượng KTĐL, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế;
Ba là mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Với 3 nhóm mục tiêu nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến: Quản lý nhà nước về hoạt động KTĐL; xử lý vi phạm pháp luật về KTĐL; những người không được đăng ký, tiếp tục hành nghề kiểm toán; nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.
Đồng thời, Dự thảo Luật mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc. Cụ thể là, bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào sau khoản 4 Điều 37 như sau:
“5. Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính năm theo quy định của Chính phủ.
6. Doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”.
Tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Dự án Luật với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 678/TTr-CP của Chính phủ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đối với Luật KTĐL, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung khoản 5 Điều 37 là “các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn” là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ cần xác định rõ phạm vi các đối tượng kiểm toán bắt buộc, tránh tình trạng có quá nhiều đối tượng phải kiểm toán.
“Cần bảo đảm việc điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc cần tương xứng với nguồn lực KTĐL, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát quy định về “những người phải ngừng hành nghề kiểm toán” tại khoản 2 Điều này, làm rõ việc ngừng hành nghề kiểm toán hoàn toàn hay ngừng có thời hạn. Quy định bổ sung khoản 2 Điều 16 như đề xuất vẫn chưa bao quát đầy đủ các trường hợp.
Về quy định liên quan thay đổi kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán, cơ quan thẩm tra cho rằng, để tạo sự linh hoạt và quy định phù hợp với thực tiễn, đặc thù của các ngành, lĩnh vực khác nhau, đề nghị cân nhắc bổ sung theo hướng kiểm toán viên hành nghề phải có thời gian tạm dừng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính sau 05 năm liên tục ký báo cáo kiểm toán của một đơn vị kiểm toán.