Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Thu nộp ngân sách hơn 294 tỷ đồng từ chống hàng lậu, hàng giả
Pháp luật - Ngày đăng : 18:05, 30/10/2024
Cụ thể, báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2024, đã có 2.572 vụ kiểm tra, trong đó xử lý 2.295 vụ vi phạm. Con số này bao gồm 232 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, 183 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, và 1.880 vụ gian lận thương mại. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 294,347 tỷ đồng, trong đó có 1.669 vụ xử lý vi phạm hành chính và 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.
Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các mặt hàng như rượu, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ điện tử. Để ngăn chặn các hành vi này, các cơ quan đã tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng đã thực hiện các kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Các kế hoạch nổi bật bao gồm: Kế hoạch số 111 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường kiểm soát tại các cảng hàng không quốc tế, Kế hoạch số 92 về phòng chống hàng lậu và hàng giả trên các tuyến biên giới và nội địa và Kế hoạch số 399 về chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều kế hoạch khác nhằm tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống buôn lậu.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát và triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND Thành phố. Đơn vị đã thực hiện 532 cuộc thanh tra, xử lý hành chính 429 vụ và thu phạt 4,876 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng vi phạm lên tới 2,85 tỷ đồng.
Công an TP. Hà Nội cũng đã thực hiện các đợt kiểm tra, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm tàng trữ, sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả. Trong tháng, lực lượng công an đã xử lý 236 vụ và phạt hành chính 2,922 tỷ đồng, truy thu thuế và thu hồi 13,191 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng vi phạm bị phát hiện là 18,145 tỷ đồng, có 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.
Cục Hải quan Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các tuyến, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, bao gồm các hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, xử lý 163 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 9 tỷ đồng và trị giá hàng vi phạm 21,8 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách nhà nước; không để các tổ chức, cá nhân vi phạm lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế; Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Kết quả, trong tháng 10, Cục thuế Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.400 doanh nghiệp, xử lý 1.399 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính 87,565 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 175 tỷ 130 triệu đồng.
Trong tháng 10, Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả; việc sử dụng thuốc và trang thiết bị tại phòng khám nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, nhà hàng, chế biến suất ăn sẵn); sản xuất nước uống đóng chai, nước giải khát, kem, bia…; việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; kinh doanh, sử dụng phụ gia, nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Trong tháng, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra 52 vụ, xử phạt 22 vụ vi phạm với số tiền phạt 785 triệu đồng.
Các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phối hợp thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo từ cấp trên. Các nỗ lực đồng bộ này nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, và nâng cao nhận thức về đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả./.