Nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng trục lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 17:04, 31/10/2024
Thưa ông, thời gian gần đây, giá nhà đất tại một số khu vực trên thị trường bất động sản (BĐS) có biểu hiện tăng cao đột biến, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do có những phiên đấu giá đất có hoạt động cố tình đẩy giá đất lên cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Những năm qua, có những giai đoạn giá BĐS trên thị trường tăng nhưng không phải là tăng đột biến do những yếu tố về quan hệ cung cầu, đặc biệt là khi nguồn cung khan hiếm nhưng gần đây, tại một số khu vực, giá nhà đất có hiện tượng tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, trong những đợt đấu giá đất, có những cá nhân, tổ chức trả giá rất cao, bất thường thì rõ ràng đó là một trong những yếu tố tạo ra sự nhiễu loạn trên thị trường với mục đích là “làm giá” để đẩy giá lên. Chúng ta có thể nhận thấy sự bất thường đó nếu như giá đưa ra đấu giá cao gấp nhiều lần giá đất ở những khu vực khác có những điều kiện tương đồng, thậm chí là điều kiện thuận lợi hơn; hoặc là trước khi có cuộc đấu giá đất, mặt bằng giá đất ở khu vực đấu giá ở mức thấp, nhưng khi đấu giá kết quả trúng đấu giá lại rất cao.
Quan sát nhiều cuộc đấu giá đất có thể thấy, thường những cá nhân, tổ chức trả giá cao bất thường như vậy, sau đó họ sẽ chấp nhận “bỏ cọc”, bởi mục đích chính của họ là tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác nhằm trục lợi.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, trong Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, thời gian qua, trong quá quá trình tổ chức thực hiện đấu giá đất, tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá. Đặc biệt, hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi “bỏ cọc”, tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức.
Thưa ông, tình trạng trả giá đấu giá đất rất cao rồi “bỏ cọc” có những hệ lụy như thế nào?
Tình trạng trả giá đấu giá đất rất cao rồi “bỏ cọc” có nhiều hệ lụy. Trước hết, việc làm này phá vỡ cuộc đấu giá đất của Nhà nước, cuộc đấu giá coi như không thành công. Việc này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia đấu giá, các nhà đầu tư đang có nhu cầu thật về sở hữu đất đai phục vụ cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, hệ lụy lớn nhất là làm nhiễu loạn thị trường, thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường BĐS cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm cũng sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá nhà đất, đến thị trường BĐS. Bởi lẽ, trường hợp trúng đấu giá đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó lấy mức giá này để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Mặt khác, khi giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở. Việc tác động làm tăng giá nhà ở sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở. Về phía doanh nghiệp, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến các chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai…
Đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng nên công khai danh tính cá nhân, tổ chức trả giá đấu giá đất cao rồi “bỏ cọc”, cũng như tăng tiền đặt cọc lên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc công khai danh tính cá nhân, tổ chức trả giá cao rồi “bỏ cọc” chỉ là một biện pháp trước mắt và nên thực hiện ngay lập tức, chứ chưa thật sự hiệu quả giúp hạn chế tình trạng trên.
Đối với quan điểm tăng tiền đặt cọc lên, tôi không cho rằng đây là một giải pháp tốt. Bởi lẽ, nếu tăng tiền đặt cọc lên tức là đã hạn chế số lượng người tham gia vào cuộc đấu giá đó, vì nhiều người chưa biết có trúng đấu giá hay không mà đã phải huy động một lượng tiền lớn để đặt cọc sẽ ngần ngại khi tham gia. Các cuộc đấu giá thành công là khi thu hút đông người tham gia, tạo nên tính cạnh tranh cao, do đó, nếu tăng tiền đặt cọc lên, số lượng người tham gia ít sẽ hạn chế cạnh tranh trong đấu giá.
Để hạn chế tình trạng trả giá đấu giá cao rồi “bỏ cọc”, tôi cho rằng, cần xem xét điều kiện của những người tham gia cuộc đấu giá. Theo đó, cá nhân, tổ chức tham gia cuộc đấu giá phải chứng minh họ có khả năng thanh toán cho tài sản được đem ra đấu giá, ví dụ như cá nhân, tổ chức có tiền trong ngân hàng hoặc có các tài sản đảm bảo để thế chấp. Khi tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức trúng đấu giá mà “bỏ cọc” và có những hành vi trục lợi thì cơ quan chức năng có thể xử lý những tài sản đã được đưa ra chứng minh đó.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát công tác tổ chức các cuộc đấu giá đất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Khi tăng cường điều tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lợi dụng các cuộc đấu giá đất để trục lợi sẽ tạo nên tính răn đe đối với những đối tượng đang có ý định trục lợi từ các cuộc đấu giá đất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.