Sửa quy định, vướng mắc lớn và cấp bách về ngân sách nhà nước
Pháp luật - Ngày đăng : 17:05, 31/10/2024
Đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách lớn
Bộ Tài chính cho biết, Luật NSNN 2015 đã giúp quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN... Tuy nhiên, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); việc phân cấp chi ngân sách còn bất cập; tính chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách còn hạn chế...
Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mang tính cấp bách tại Luật NSNN 2015 để sửa đổi, bổ sung.
Ngày 29/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án Luật).
Theo đó, 3 nhóm chính sách lớn đối với Luật NSNN được đề xuất sửa đổi, bổ sung là: Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng NSĐP để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ nguồn chi đầu tư và thường xuyên như chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Cùng với đó, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài kế hoach đầu tư công trung hạn được phân bổ vốn theo pháp luật về NSNN…; bổ sung quy định về giao Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) triển khai phân bổ đối với các khoản dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ, giao chi tiết; sửa đổi quy định về việc sử dụng số tăng thu và số tiết kiệm chi để thực hiện các nhiệm vụ mới được bổ sung của Dự thảo Luật này...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách lớn được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật NSNN nhằm tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất thực hiện chính sách tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, theo đúng tinh thần để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”... Vì vậy, nếu những cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của vùng, của quốc gia...
Dự kiến, ngày 07/11/2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Ngày 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này.
Địa phương phải bảo đảm khả năng cân đối khi hỗ trợ địa phương khác
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này ghi rõ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS), Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí đối với việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ.
Về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về NSNN và quy định của pháp luật có liên quan, đa số ý kiến của UBTCNS đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, trường hợp Chính phủ nhận thấy cần rút ngắn quy trình trình Quốc hội thì cần đề xuất phương án giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền xem xét, bổ sung danh mục trong thời gian giữa 2 kỳ họp đồng thời với việc phân bổ vốn NSNN cho các dự án mới và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đối với đề xuất bổ sung chính sách sử dụng NSĐP hỗ trợ cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn hoặc địa phương khác, đa số ý kiến của UBTCNS nhất trí việc cho phép sử dụng vốn đầu tư của NSĐP cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng và công trình hạ tầng quan trọng khác, song đề nghị cần bổ sung thêm điều kiện là các địa phương khi hỗ trợ phải bảo đảm khả năng cân đối của NSĐP; không làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương.
Về đề xuất bổ sung việc giao Chính phủ, UBND tổ chức thực hiện đối với các khoản chi chưa phân bổ chi tiết, cơ quan thẩm tra cho biết, tại Văn bản số 3374/BC-UBPL15 ngày 23/10/2024, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc thận trọng việc giao Chính phủ, UBND các cấp tổ chức thực hiện đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết. Căn cứ quy định của Điều 68 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đa số ý kiến của UBTCNS đề nghị thực hiện theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, để tạo chủ động cho Chính phủ trong điều hành ngân sách, đề nghị quy định theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với các khoản chi chưa phân bổ chi tiết./.