Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng kinh tế - xã hội nông thôn

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:05, 31/10/2024

(BKTO) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau một thời gian triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực tế còn một số vướng mắc đòi hỏi cần được chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời để đưa Chương trình về đích đúng hẹn, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng nông thôn.
15a.jpg
Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả rất khả quan. Ảnh: ST

Nông thôn “thay áo” mới

Những con đường bê tông trải dài vào tận thôn bản, những ngôi nhà kiên cố mang đặc trưng vùng cao và không còn cảnh đói mùa giáp hạt là dấu ấn nổi bật tại xã NTM Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Ân Nghĩa Bùi Văn Nguyên, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã mang lại nhiều đổi mới cho vùng quê xứ núi. Từ một xã nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 58 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,95%.

Tích cực sản xuất phát triển kinh tế, góp sức xây dựng NTM giàu đẹp cũng là không khí chung trên toàn huyện Lạc Sơn cũng như tỉnh Tây Bắc Hoà Bình hôm nay. “Nhờ làm tốt công tác xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn huyện ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp với hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Lạc Sơn Bùi Văn Phụng thông tin.

Ông Phụng cho biết, từ hệ thống hạ tầng khang trang, từng bước được hiện đại hóa đã giúp thu hút đầu tư, cũng như tạo thuận lợi cho người dân trong đời sống, sản xuất. Đặc biệt, thông qua việc đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất đa giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, huyện đặt mục tiêu đến hết năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 10,98%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống 12,14%...

Theo Bộ NNPTNT, sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả rất khả quan, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM; trong đó 2.182 xã NTM nâng cao; có 296 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó 11 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 38% số xã đạt NTM nâng cao và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM. Có thêm từ 1-2 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ NNPTNT) - cho biết, một trong những kết quả nổi bật mang lại thông qua Chương trình xây dựng NTM, đó là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các vùng, địa phương, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “tích hợp đa giá trị”. Tính đến hết tháng 9/2024, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 7.846 chủ thể tham gia. Chất lượng, độ tin cậy của các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Nhận diện, tháo gỡ điểm nghẽn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình NTM vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần được nhận diện đầy đủ để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời trong quá trình triển khai xây dựng NTM nâng cao.

15b.jpg
Đoàn kiểm toán thực hiện khảo sát tại một tuyến đường nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: TL

Xác định rõ vai trò của Chương trình xây dựng NTM, những năm gần đây Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình, thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh; cũng như góp phần hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình. Đơn cử như qua kiểm toán năm 2023 đối với Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bộ NNPTNT và các địa phương, KTNN chỉ rõ, Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn còn chậm so với kế hoạch; chậm trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP… Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế huy động vốn, lồng ghép các nguồn vốn tại một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu. “Những hạn chế, bất cập này đã gây khó khăn cho các địa phương, cũng như khiến việc tổ chức triển khai bị chậm so với kế hoạch” - một thành viên tham gia Đoàn kiểm toán cho biết.

Đáng chú ý, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn có bất cập, hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện. Đơn cử, tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể”, tuy nhiên, các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành hướng dẫn cụ thể khiến các địa phương lúng túng khi thực hiện. Các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện tiêu chí về sổ khám bệnh điện tử, do điều kiện cơ sở hạ tầng tại địa phương khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử…

Qua thực tiễn triển khai Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương cũng chia sẻ, để khắc phục những khó khăn hiện nay, Bộ NNPTNT cần có hướng dẫn chung về mô hình Văn phòng điều phối NTM đảm bảo thống nhất ở các địa phương; Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM… Tại Hội nghị đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2024 vừa qua, bất cập trong triển khai xây dựng NTM cũng được Bộ NNPTNT nhận diện thẳng thắn như, tiến độ giải ngân vốn của các năm trước chuyển sang thực hiện năm 2024 đạt thấp; phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại… Do đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương điều chỉnh để sớm tháo gỡ các rào cản này. Đối với các kiến nghị của KTNN, đại diện Bộ NNPTNT khẳng định đang “thực hiện nghiêm túc và sẽ điều chỉnh các nội dung còn bất cập theo thẩm quyền”, từ đó tạo thuận lợi để sớm đưa Chương trình về đích đúng hẹn./.

N.LỘC