Nhận diện rào cản trong phát triển công trình xanh
Xã hội - Ngày đăng : 17:06, 31/10/2024
Nhiều thách thức cản trở phát triển công trình xanh
Thông tin về tình hình phát triển CTX tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà - cho biết, tính đến hết quý III/2024, số lượng CTX trên cả nước đạt gần 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2. Số lượng CTX hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (đến năm 2025 đạt 80 công trình; đến năm 2030 đạt 150 công trình được chứng nhận CTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả). Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, các CTX cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, kết quả đạt được về phát triển CTX nêu trên có được là nhờ những điều kiện thuận lợi từ chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước; sự tham gia ngày càng tích cực hơn của các chủ thể liên quan trên thị trường như chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho các dự án xanh…
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mục tiêu đến năm 2050, trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí CTX; 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải carbon thấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc phát triển CTX ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Chẳng hạn như, CTX mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh để thực hiện đầu tư, phát triển các dự án, CTX …
Thừa nhận những thách thức trên, dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Chiến Hữu - Giám đốc Quản lý thiết kế, Công ty Văn Phú Invest - cho biết, nhằm bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành xây dựng, trong những năm gần đây đơn vị đã chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng, triển khai các dự án, công trình theo hướng xanh. Tính đến nay, đơn vị có 140.000m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình theo đuổi mục tiêu đầu tư xanh, DN cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tiếp cận nguồn vốn; sự hạn chế của các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trên thị trường gây khó khăn cho đơn vị lựa chọn nguồn nguyên vật liệu để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, năng lực tư vấn thiết kế của nhà thầu trong nước còn hạn chế nên mời được tư vấn thiết kế am hiểu về CTX không dễ, DN buộc phải thuê tư vấn nước ngoài...
Đồng quan điểm trên, chia sẻ thêm, bà Lý Thị Phương Trang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điều hòa Daikin Việt Nam - bày tỏ, hiện nay, chính sách về CTX chưa đồng bộ khi các quy định về phát triển CTX còn nằm ở những văn bản luật khác nhau của các Bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Mặt khác, cơ chế khuyến khích các DN phát triển CTX vẫn còn khá hạn chế, chưa có những quy định thật cụ thể, trong khi đó chi phí đầu tư ban đầu cho CTX cao hơn so với các công trình thông thường khiến nhiều chủ đầu tư còn e ngại. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng, xã hội về loại hình CTX vẫn còn có những hạn chế nhất định, nên chưa tạo động lực cho DN chú trọng đầu tư một cách mạnh mẽ…
Đồng bộ giải pháp để tạo “lực đẩy” phát triển công trình xanh
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh phát triển các CTX đem lại nhiều lợi ích cho cả DN và nền kinh tế. Theo đó, về phía DN, việc đầu tư, xây dựng các CTX giúp DN tiết kiệm năng lượng hơn, chi phí bảo trì công trình thấp hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu… Từ đó, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như tạo lập giá trị bền vững trong dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. Ở tầm vĩ mô, việc gia tăng số lượng các công trình, dự án phát triển theo hướng xanh sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời giúp hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Với những ý nghĩa đó, để thúc đẩy phát triển các dự án, CTX một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, PGS,TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng - cho rằng cần tập trung vào bốn trọng tâm chính. Một là, sớm tạo hành lang pháp lý liên quan đến chính sách về thuế, về lãi suất ngân hàng đối với chủ đầu tư CTX. Hai là, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ kỹ thuật liên quan đến sử dụng vật liệu xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, các quy định về quản lý vận hành CTX. Ba là, cần tăng cường đào tạo để cải thiện nguồn chuyên gia, tư vấn thiết kế am hiểu về CTX nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trên thị trường. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cộng đồng, toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích của CTX, nhằm tạo động lực cho các chủ đầu tư tham gia phát triển mạnh mẽ loại hình công trình này.
Về phía DN, nhiều DN cũng bày tỏ mong muốn, Nhà nước sớm ban hành các chính sách về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các bên triển khai. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm ban hành danh mục phân loại xanh, trong đó có danh mục các dự án, CTX, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, giúp DN dễ tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư.
Đưa thêm khuyến nghị cho DN, chuyên gia tư vấn CTX Trịnh Tùng Bách lưu ý, hiện nay trên thị trường có nhiều chứng nhận, tiêu chuẩn về CTX, do đó nhà đầu tư định vị công trình ở phân khúc nào thì lựa chọn một bộ tiêu chuẩn CTX với các giải pháp phù hợp cho dự án đó; khi đó, việc đầu tư CTX dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và không “đắt”./.