Đánh giá toàn diện kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương
Pháp luật - Ngày đăng : 15:10, 31/10/2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết này chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị như: Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức Hội đồng nhân (HĐND) ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân (UBND) quận, phường.
Đối với những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù khác đối với quy định của Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên tổ chức thí điểm để đảm bảo điều kiện của cấp thẩm quyền quy định, cũng như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, cả nước có 5 Thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình chính quyền đô thị cũng đã ban hành cho ba thành phố là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, tiến tới đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển TP. Hải Phòng theo mô hình chính quyền đô thị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải tổ chức tổng kết những nơi thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù để xem xét những kinh nghiệm hay, những việc chưa được để tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước, trên tinh thần Quốc hội quyết những vấn đề chung cho cả nước để thực hiện.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.
Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị TP. Hải Phòng tinh gọn, hợp lý
Trước đó, chiều 30/10, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Hải Phòng là Thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Xác định vai trò, vị thế quan trọng của thành phố Hải Phòng,ngày 24/01/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 “Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đến năm 2030 “Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh”.
Sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động.
"Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của Thành phố'" - bà Thanh Trà khẳng định.
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều quy định về: Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn.
Theo đó, chính quyền địa phương ở quận, phường tại TP. Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Việc tổ chức chính quyền địa phương ở TP. Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của Thành phố có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, quận, thành phố Thủy Nguyên và phường để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.../.