Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Nâng cấp cấp độ ở tất cả các khâu chuẩn bị
Xã hội - Ngày đăng : 18:49, 01/11/2024
Tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) - cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 đã được tổ chức thành công nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chủ động của Bộ GDĐT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; sự phối kết hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, nhất là nỗ lực cao của toàn ngành giáo dục.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu đề ra. Bộ GDĐT đã và đang tích cực triển khai chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030 theo phương án đã được công bố với tinh thần từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng”.
Ông Huỳnh Văn Chương - - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT)
Kỳ thi đã đạt cả ba mục tiêu đề ra: Kết quả thi chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT; phân tích, đối sánh dữ liệu kết quả thi trên toàn quốc và tại mỗi địa phương để có những giải pháp điều chỉnh công tác quản lý giáo dục của địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; kết quả thi có độ tin cậy, được hầu hết trường (kể cả các trường có sức thu hút và cạnh tranh cao) sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ quy định tại Luật Giáo dục đại học cùng với một số phương thức tuyển sinh khác.
Cùng với công tác tổ chức thi, giai đoạn 2020-2024 công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT cũng đã có những đổi mới về nội dung, mô hình, góp phần vào thành công chung trong công tác tổ chức Kỳ thi.
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT ban hành 5 văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, 5 quyết định phê duyệt phương án kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra thi THPT, 4 kế hoạch tổ chức tập huấn, thanh tra, kiểm tra thi THPT và ban hành các quyết định thanh tra/kiểm tra các khâu của Kỳ thi bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, Quy chế thi và quy định hiện hành của pháp luật.
Giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT đã huy động 300 lượt cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các Sở GDĐT đã huy động 3.999 lượt cán bộ, công chức, viên chức/giáo viên các đơn vị thuộc Sở GDĐT, Thanh tra tỉnh tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
Thanh tra Bộ GDĐT đã phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xây dựng kịch bản, biên tập và hoàn thiện bộ tài liệu điện tử hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi ở các khâu với 6 video clip.
Đồng thời, biên soạn và in thành sổ tay nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ của cán bộ tham gia tập huấn trước khi bố trí tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.
Về thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT huy động 37.274 lượt cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, các Sở GDĐT huy động 32.559 lượt cán bộ, công chức, viên chức/giáo viên của Sở GDĐT, Thanh tra tỉnh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng tựu chung lại giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhân dịp này, Thứ trưởng thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT gửi lời cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, sự vào cuộc của các địa phương trong tổ chức Kỳ thi giai đoạn vừa qua.
“Chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi, không để thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay đi lại không thể dự thi. Càng ở các địa phương khó khăn, càng cho thấy sự chăm lo của toàn xã hội cho Kỳ thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, cả giai đoạn vừa qua, các thầy cô giáo, tất cả các lực lượng đã vì học sinh mà tạo các điều kiện thuận lợi nhất.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.
Thứ trưởng đề nghị: Mọi năm đã chu đáo rồi năm nay phải chu đáo hơn, mọi năm đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi năm nay phải kỹ lưỡng hơn. Tất cả các công tác phải nâng cấp độ lên, từ chỉ đạo, chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra tước, trong, sau Kỳ thi.
“Năm nay cả xã hội quan tâm hơn rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, giáo viên, phụ huynh, cả xã hội chờ đợi. Chúng ta đang làm việc chăm lo cho kỳ thi cũng là nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của ngành trong năm 2025”.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức Kỳ thi, các địa phương tiếp tục vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm. Các Sở GDĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề không chỉ đề thi mà cả đề kiểm tra, đánh giá.
“Đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, với yêu cầu tổ chức Kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.